Tinh hoa Việt

Thầy và bạn

TRẦN HỮU THĂNG 02/06/2024 05:56

Một con người cụ thể muốn được khôn lớn và trưởng thành bắt buộc trong đời phải có những người cưu mang, dìu dắt, nuôi nấng, giúp đỡ, dạy bảo, khuyên răn, giáo dục. Danh sách những người cần có thì khá dài nhưng có thể tóm tắt lại, đó là các thầy và các bạn của ta.

12d(1).jpg
Minh họa: ITN

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Thầy là: 1/ Người đàn ông dạy học hoặc nói chung là người dạy học trong mối quan hệ với học sinh (có thể dùng để xưng gọi). Thí dụ: Thầy chủ nhiệm. Tình thầy trò. Chào thầy ạ. 2/ Người có trình độ hướng dẫn, dạy bảo (hàm ý coi trọng), coi là bậc thầy”.

“Bạn là: 1/ Người quen biết và có quan hệ gần gũi, coi nhau ngang hàng do hợp tính, hợp ý hoặc cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hoạt động... Thí dụ: Bạn nghèo với nhau. Bạn chiến đấu. Người với người là bạn. 2/ Người đồng tình, ủng hộ. Thí dụ: Bạn đồng minh. Thêm bạn bớt thù. 3/ Đơn vị tổ chức có quan hệ gần gũi. Thí dụ: Đội bạn. Nước bạn”.

Tuy các định nghĩa của Từ điển chỉ ngắn gọn như trên, nhưng trong thực tế cuộc sống thì những hình ảnh, những dấu ấn, những chia sẻ, những kỷ niệm, những lưu luyến của thầy và bạn là cực kỳ phong phú, rất cao quý và là những nội dung mà chúng ta không bao giờ có thể quên được.

Ở Việt Nam có một phương ngôn về người thầy rất giản dị, rất dễ hiểu nhưng mãi mãi đúng đắn, đó là: “Không thầy đố mày làm nên”. Chao ôi, hay đến thế là cùng, đúng là một chân lý. Ấy thế mà cũng có những con người khi có một chút thành công đã tưởng là không ai còn là thầy mình nữa.

Thật đáng thương cho họ vì ngay sau đó họ đã nhận được những bài học xứng đáng của quy luật “Cuộc đời dạy bảo”. Vì sao?

Vì chỉ có cha mẹ và thầy ta mới sẵn lòng bao dung, độ lượng, tha thứ, thương yêu chỉ bảo ta trọn vẹn. Còn nếu cứ để cho xã hội giáo dục, chỉ bảo thì người làm trò cũng nên thận trọng đấy, vì như một danh ngôn xưa đã dạy: “Luật pháp bất vị thân”, tạm dịch là: Đối với luật pháp của nhà nước thì không được phép bỏ sót một ai, kể cả người thân.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Người chê ta đúng, là thầy ta. Người khen ta đúng, là bạn ta”, đây thực là một định nghĩa tóm tắt về thầy, về bạn tuyệt vời. Để hiểu được câu danh ngôn này, phải đem tinh thần của “Tư duy phản biện” (nguyên văn tiếng Anh là Critical thingking) để soi sáng, để minh họa, để tranh luận, để phán xét.

Người phát hiện hộ, giúp ta tìm được cái sai trái, cái yếu kém của chính bản thân mình do dốt nát và bảo thủ mà không nhận ra, thì quả thực là bậc thầy đáng quý, vì người đó có trình độ hơn ta lại cộng thêm với lòng yêu mến ta thực sự nên mới “mở mắt”, “khai tâm” cho ta để giúp ta tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn lúc trước. Người có trình độ và lòng nhân từ đến như thế rõ ràng là thầy ta.

Ông bà ta xưa thường dạy bảo rất giản dị: “Học thầy không tày học bạn” đủ để nói lên một thực tế rất sống động trong cuộc sống hàng ngày. Người thầy trong nhà trường chỉ dạy ta một thời gian nhất định, còn các đồng nghiệp, các bạn cùng ngành cùng nghề sẽ dạy ta, nâng đỡ ta, chỉ bảo cho ta đến suốt đời.

Vì thế, nếu may mắn ta sẽ gặp được người bạn chân thành, tốt bụng thì phải cố gắng giữ tình bạn ấy lâu dài, cho đến suốt đời thì ta sẽ có thêm được một người anh em gắn bó như ruột thịt, thế mới đáng quý.

Triết gia cổ đại Ménandre (từ năm 340 đến năm 292 trước Công nguyên) đã ca ngợi: “Sung sướng thay cho những ai đã gặp được một người bạn xứng đáng là bạn”.

Chao ôi, cái sung sướng mà Ménandre dành cho những người may mắn trên đời không phải là tiền bạc, không phải là của cải vật chất, mà chính là khi anh ta tìm được, gặp được, kết thân được, giữ gìn quan hệ lâu dài được với một người bạn xứng đáng là bạn, thực sự là bạn.

Thế nào gọi là “thực sự là bạn”? Trước hết phải là sự lựa chọn công phu và tỉ mỉ của mỗi con người. Triết gia Jacques Délille (1738 - 1813) đã nói hộ chúng ta khi ông viết: “Số phận tạo ra cha mẹ, sự lựa chọn thận trọng tạo ra người bạn tốt”.

Nhờ lời dạy này, ta chớ nên vội vàng kết bạn với ai, càng không nên vội vàng chia tay với ai. Lúc nào cũng cần thận trọng, tỉ mỉ, cân nhắc đi cân nhắc lại là hãy kết bạn hoặc chia tay người bạn nào đó. Vì sao thế?

Như triết gia bậc thầy Voltaire đã khẳng định: “Tất cả những cái trọng đại ở đời này không thể sánh được nếu ta có một người bạn tốt”. Điều nhận xét này rất đúng vì người bạn tốt là người đồng hành với ta trong một thời gian dài, giúp ta xây dựng và kiến tạo cuộc đời. Ai đó đã nói đúng rằng: “Giàu vì bạn”.

Nhiều tấm gương về các tổ hợp tác xã nông nghiệp gồm các kỹ sư trẻ và các bạn thanh niên nông thôn đã cùng nhau phát triển nông nghiệp sạch và kinh tế xanh dẫn đến đời sống ấm no, hạnh phúc ngay trên quê hương thân yêu.

Cái tư tưởng “bỏ làng ra phố” đã được thay đổi chính là nhờ những gắn bó bạn bè của các thế hệ thanh niên mới trong thế kỷ này.

Về sự kết giao bạn bè, triết gia Jean de la Bruyère cũng có một lời khuyên rất thực tế, đó là: “Trong kết nghĩa bạn bè, nếu không biết rộng lượng để dung thứ cho nhau những khuyết điểm nhỏ thì khó mà giao du được bền lâu”.

Điều này rất thực tế và rất nhân văn. Ai làm bạn, kết bạn cũng nên nhận lấy sự thiệt thòi về mình trước thì tình bạn sẽ bền lâu. Nếu trong một đám bạn, ai cũng tham lam, ích kỷ, đề cao cá nhân thì chắc chắn sẽ sớm tan vỡ và dẫn đến các kết quả tiêu cực.

Nói về “thầy” và “bạn” thì còn rất nhiều điều cần nói, nhưng đến đây tạm sơ kết:

Với khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi”, chúng ta nguyện với lòng mình suốt đời làm người học trò, khiêm tốn học hỏi để tự hoàn thiện mình.

Với khẩu hiệu “Học thầy, học bạn, học nhân dân”, chúng ta luôn nhớ đến ba đối tượng để học hỏi như khẩu hiệu đã nêu. Thầy và bạn đoạn trên đã nói, riêng đối tượng thứ ba là “học nhân dân” thì cần hiểu rằng: Nhân dân đây là những người ta có dịp được gặp mặt trong suốt cuộc đời.

Một triết gia phương Tây đã chỉ rõ: “Những người ta gặp trong cuộc đời, ai cũng có điều tốt đẹp để cho ta học hỏi”. Câu này rất đúng, nó hướng dẫn ta cách tiếp cận và phát hiện ra cái hay, cái đẹp, cái thiện của người khác để làm giàu cho kiến thức của mình, để giúp mình ngày càng trưởng thành cùng với năm tháng của cuộc đời. Đây là những cơ hội gặp gỡ hiếm có, cần phải biết phân tích, chọn lọc và lưu giữ những cái hay, cái đẹp của những người ta may mắn được gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu, kết thân.

Thật không may và bất hạnh thay cho những ai suốt đời chỉ luôn nhìn thấy khuyết điểm, yếu kém của người khác mà trở nên cô đơn, không có bạn bè trong cuộc sống.

Nhớ lại cách đây gần nửa thế kỷ, có một lớp bác sĩ đến từ nhiều nước làm việc tại Bệnh viện lâu đời nhất tại Habana - Cu Ba là Bệnh viện Calisto Garcia.

Chúng tôi may mắn được Giáo sư Borrajero, một chuyên gia về Giải phẫu bệnh lý danh tiếng của châu Mỹ Latinh lúc đó dạy cho một định nghĩa như sau: “Đối với những người thầy thuốc chúng ta, mỗi một bệnh nhân, mỗi một trường hợp bệnh lý mà chúng ta chẩn đoán phải được coi là một người thầy tốt, dạy ta trau dồi nghề nghiệp suốt đời”.

Lời dạy về người thầy ấy của giáo sư Borrajero đã giúp chúng tôi trưởng thành và vững vàng trong những phút giây hành nghề trọn vẹn của cả cuộc đời.

Để khép lại bài viết, cần chú trọng tham khảo mấy câu danh ngôn sau đây:

Đại văn hào Pháp, ông Jean Jacques Rousseau đã xác định: “Bất cứ ai cũng được giáo dục đầu tiên bởi một người thầy tốt nhất trong cuộc đời, đó chính là bà mẹ hiền yêu quý của chúng ta”.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Nhất tử nhất sinh, nãi tri giao tình” (tạm dịch: Một chết, một sống mới biết được tình nhau). Câu này đúng hoàn toàn vì phải qua thử thách, qua gian khổ mới biết được ai là bạn tốt mà mình phải cố giữ, cố duy trì bằng được con người đáng quý, đáng trân trọng đó.

Đông phương cổ học cũng viết: “Có ba loại bạn hữu ích, đó là: Bạn ngay thẳng, bạn rộng lượng và bạn hiểu biết nhiều”.

Xin chúc cho tất cả chúng ta trong cuộc đời gặp được những người thầy tốt, những người bạn tốt, giúp chúng ta luôn yêu mến cuộc đời, yêu mến con người.

TRẦN HỮU THĂNG