Quốc tế

Sự cô đơn mang tên ‘hikikomori’

THẾ TUẤN 02/06/2024 07:54

Hikikomori trong xã hội Nhật Bản là khái niệm để chỉ hiện tượng tự cô lập xã hội một cách cực đoan, hay còn gọi là “thu mình vào bên trong”. Những người thực hiện lối sống này tự cho mình là ẩn sĩ thời hiện đại.

cc.jpg
Hình ảnh mô phỏng một hikikomori điển hình được giới thiệu trên Phys.org.

Khó theo kịp tốc độ cuộc sống, cô đơn đã trở thành một vấn đề lớn trong xã hội Nhật Bản đối với nhóm dân số lớn tuổi. Nhưng, tới nay, trong nhóm dân số trẻ, sự cô đơn cũng gia tăng.

Nghiên cứu mới đây vào tháng 5/2024 cho thấy, hiện tượng này chiếm khoảng 2% dân số Nhật Bản (trong độ tuổi từ 15 đến 64) khi có thêm nhiều người trẻ chọn lối sống cực đoan rút lui khỏi đời sống xã hội dù không có bất kỳ tình trạng thể chất hoặc tinh thần tiềm ẩn nào.

Người ta vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Tuy nhiên, theo nhà xã hội học Michael Zielenziger, có thể hội chứng hikikomori liên quan với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, dẫn tới một dạng hành vi cực đoan. Với người trẻ, nhiều trường hợp hikikomori liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, hoặc thành tích học tập quá thấp, trong khi lại phải chịu áp lực lớn với kỳ vọng cao từ gia đình.

Một chuyên gia về hikikomori nói với tờ Sunday Times: "Các bậc cha mẹ nói với con cái mình rằng hãy bay đi, trong khi lại nắm mắt cá chân chúng thật chặt".

Vẫn theo tiến sĩ Zielenziger, với đối tượng trong độ tuổi từ 35 đến 55, sự thay đổi văn hóa do công nghệ mang lại (và đặc biệt là internet) mà họ không theo kịp đã khiến họ thu mình lại trong cô đơn.

Còn theo Giáo sư Teppei Sekimizu (Đại học Meiji Gakuin), nhiều hikikomori ở độ tuổi trưởng thành trốn tránh xã hội sau khi mất việc hoặc chật vật tìm cách nuôi sống gia đình. Điều đó không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn phản ánh các vấn đề kinh tế, chẳng hạn mức sống ngày càng đắt đỏ trong khi thu nhập trì trệ.

Cuối năm 2023, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố kết quả khảo sát vào năm 2022 cho thấy thời điểm đó nước này có gần 1,5 triệu hikikomori - theo tờ The Asahi Shimbun. Độ tuổi của hikikomori Nhật Bản có biên độ rộng, từ 15 đến 64 tuổi. Thậm chí có những trường hợp cha mẹ già yếu ở độ tuổi 80 vẫn phải trợ giúp cho con cái mắc hikikomori ở độ tuổi 50 vì họ không chịu bước ra ngoài làm bất cứ công việc gì.

Truyền thông Nhật Bản dẫn trường hợp một người đàn ông 53 tuổi ở tỉnh Aichi. Người này hiếm khi ra khỏi nhà và những bữa ăn hàng ngày đều do chính tay người mẹ già nấu cho con mình. Thi thoảng người này trùm kín mặt ra đường vào ban đêm để tránh hàng xóm nhìn thấy, rồi vội vã chui ngay vào ô tô.

Một cuộc khảo sát cho thấy, ở Nhật Bản, 21,5% hikikomori trong độ tuổi từ 15-39 bị cô lập về mặt xã hội từ 6 tháng đến dưới một năm; 21,9% số người trong độ tuổi từ 40 - 64 đã tự nhốt mình trong nhà dưới 2 đến 3 năm. Koichi Kitakaze - Giám đốc Chính sách thanh niên của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, hikikomori không phải là một hiện tượng của riêng giới trẻ, mà thực sự đã là vấn đề của xã hội hiện đại.

Tới nay, hikikomori lan ra nhiều quốc gia, nhất là tại châu Á. Người ta gọi đó là “những cuộc đời trốn tránh” khi đối tượng từ chối tiếp xúc xã hội và không rời nhà suốt 6 tháng.

Đài CNN dẫn lời Charlie (không phải tên thật), 15 tuổi, cuộc sống của cậu thu hẹp một cách không thể giải thích được gói gọn trong phạm vi chiếc giường tầng của căn hộ chung cư chật hẹp ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, cậu bắt đầu tách rời khỏi xã hội sau khi tranh cãi với giáo viên ở trường. “Tôi khóa chặt bản thân trong phạm vi chiếc giường hai tầng, trong căn hộ nhỏ bé của bà tôi” - Charlie nói.

Giáo sư Paul Wong của Đại học Hồng Kông ước tính có đến 50.000 hikikomori ở khu hành chính này. Còn tại Hàn Quốc, Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội nước này ước tính khoảng 350.000 người trong độ tuổi 19 - 39 bị liệt vào nhóm hikikomori. Năm 2023, chính quyền thành phố Seoul đã triển khai chương trình phụ cấp 650.000 won/tháng (hơn 12 triệu đồng/tháng) để khuyến khích người từ 9 đến 24 tuổi mắc chứng tự cô lập với xã hội quay về hòa nhập cộng đồng - theo tờ The Guardian.

Đáng lo ngại khi các nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) cho rằng sự trỗi dậy của internet và giảm sự tương tác, gặp mặt trực tiếp là nguyên nhân dẫn đến sự "lây lan" của hikikomori trên toàn cầu. “Đó là một hiện tượng cực đoan cần được tìm hiểu kĩ và hành động trước khi nó có nguy cơ trở thành một bệnh dịch” - tiến sĩ Elyssia nói.

Một nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, khi được hỏi người nào sẽ cung cấp thu nhập chính cho những hikikomori lớn tuổi thì 34,1% trả lời rằng “cả cha lẫn mẹ” của họ sẽ nuôi họ mỗi ngày. Vấn đề này được gói gọn bằng con số “8050”, có nghĩa là những cha mẹ già ở độ tuổi 80 buộc phải chăm sóc “những đứa trẻ chưa chịu lớn” ở độ tuổi 50. Nhiều trường hợp hikikomori sống với cha mẹ già bằng đồng lương hưu. Tình hình căng thẳng đến độ Tamaki Saito - một bác sĩ chuyên về tâm thần đã kêu gọi Chính phủ hãy nhanh chóng hành động tạo “sân chơi” cho những hikikomori để giảm bớt gánh nặng và căng thẳng cho các bậc cha mẹ già. Tại Nhật Bản, con cái thường sống với cha mẹ đến khoảng 20 tuổi, sau đó sẽ tự lập.

THẾ TUẤN