Xã hội

Săn ốc giấy ở La Gàn

ĐOÀN XÁ 02/06/2024 07:55

Dù không phải là loại sản vật đặc trưng nhưng thời gian qua, nghề lặn ốc giấy, một loại ốc có vỏ mỏng như tờ giấy lại giúp nhiều ngư dân ở làng biển La Gàn (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) kiếm hàng chục triệu đồng. Trong đó, nhiều thợ lặn có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày bởi ốc giấy đang có giá khá cao.

o4.jpg
Những ghe đi bắt ốc của ngư dân ở La Gàn. Ảnh: Đoàn Xá.

Mưu sinh dưới đáy đại dương

Mặc dù là địa điểm du lịch khá nổi tiếng nhưng rất ít người biết tới làng biển La Gàn (còn gọi là làng biển Tuy Phong), bởi hầu hết, khách du lịch tới đây đều tìm về những địa danh như bãi biển Cổ Thạch, chùa Cổ Thạch hay những bãi đá 7 màu đẹp lung linh.

Vì thế, cuộc sống ở làng biển nhỏ bé này không bị “cuốn” vào các hoạt động du lịch như các làng biển Mũi Né, Hòn Rơm, Mũi Dinh… Những ngư dân nơi đây vẫn ngày ngày gắn bó với ghe thuyền, với biển cả quê hương.

Khác với nhiều nghề biển đánh bắt cá, mực, ghẹ… thường diễn ra ban đêm và ngư dân bắt đầu một ngày làm việc lúc chiều tối, nghề lặn ốc giấy ở La Gàn thì ngược lại. Ngư dân ra khơi lúc sáng sớm và trở về khi mặt trời chìm xuống biển.

Gặp chúng tôi ở bãi biển sau một ngày lặn biển vất vả, anh Đặng Văn Dư, 42 tuổi, một ngư dân làm nghề lặn ốc lâu năm cho biết hầu hết các ghe lặn ốc ra khơi lúc 6 tới 7 giờ sáng.

“Mùa này biển lặng nên ghe cá, ghe mực họ cũng neo ở La Gàn. Sang tới tháng 7 mưa gió, các ghe đó vòng về cửa biển Liên Hương để neo. Còn những ghe nhỏ, thúng chài thì ngư dân kéo lên bờ cát phía bên kia. Ở làng biển này ghe chỉ neo đậu chừng 5 tháng mà thôi. Neo ở đây rất tiện lợi nên giờ đông ghe lắm”, anh Dư vừa nói vừa chỉ tay ra phía biển.

Chúng tôi thấy hàng trăm ghe thuyền, thúng tròn của ngư dân neo đậu ven theo đường bờ biển hình cánh cung cong cong.

Tiếp đó, người ngư dân này bắt đầu cùng bạn thuyền vận chuyển những bao ốc, thành quả lao động một ngày dài của họ từ ghe lên bờ, họ đổ tràn ốc trên nền cát để bắt đầu phân loại. Mùa này, ngoài ốc giấy là chủ yếu, họ còn lặn được các loại ốc giác, ốc gai, ốc hương nhưng không nhiều.

Theo anh Dư, ghe lặn ốc của anh có thêm 4 người bạn nữa, tất cả đều ở bên Liên Hương. Hàng ngày các anh chạy xe gắn máy tới La Gàn rồi mới lên ghe ra ngư trường.

“Nghề lặn bây giờ khó khăn và bấp bênh lắm. Có ngày kiếm cả triệu đồng hơn nhưng cũng có ngày chỉ vài trăm. Vì thế chúng tôi thoả thuận ăn chia đều nhau để mọi người cùng cố gắng. Nghĩa là ai lặn nhiều hay ít đều được chia bằng nhau cả. Cuối ngày mang ốc vào bãi lọc ra bán rồi chia tiền. Do chủ yếu là ốc giấy nên mấy loại ốc tạp khác anh em thường mang về nhà để ăn hoặc cho người thân”, anh Dư cho biết thêm.

Lúc này, chúng tôi mới có thời gian nhìn kỹ hơn những con ốc giấy. Hầu hết chúng to như quả chanh dây, tròn tròn với màu xám trắng có vân viền hoặc vân chấm nhạt khá đặc trưng. Đặc biệt, chỉ cần nhìn thôi cũng biết vỏ của ốc giấy rất mỏng. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến ngư dân quen gọi là ốc giấy.

Trò chuyện thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, 23 tuổi, một thợ lặn ốc chung nhóm với anh Dư cười cười nói, nghề lặn giờ dễ kiếm tiền nhưng không phải ai cũng theo được. Thậm chí, đây còn là nghề kén người nhất trong những nghề đi biển. Ngoài sức khoẻ, thợ lặn còn phải có một vài kỹ năng riêng biệt, bởi nghề này ở dưới đáy biển nhiều hơn trên ghe.

“Ngoài sức khoẻ thì thợ lặn phải biết quan sát, phối hợp và nhanh nhẹn nữa. Ốc giấy là loại dễ bắt nhất khi ở dưới đáy biển vì chúng nổi trên lớp cát. Một số loại ốc khác như móng tay, sò tím hay sò quạt thì chúng ẩn mình trong cát nên khó bắt hơn.

Tuy vậy, khó khăn nhất của thợ săn ốc giấy là chúng thường có ở những bãi đá, rạn san hô ngầm dưới đáy biển. Hơn nữa, ốc giấy không có theo bầy mà thường rải rác nên thợ lặn phải chăm chỉ mới có”, anh Hải kể.

Theo ngư dân này, khi lặn dưới đáy biển thì thợ lặn đi theo nhóm 2 người, có sử dụng đèn pin chiếu sáng gắn trên đầu đề phòng bất trắc. Mặc dù có trang bị đồ lặn bó sát người nhưng hầu hết thợ lặn thường duy trì một giờ đồng hồ rồi sẽ ngoi lên ghe, bất kể được nhiều hay ít. Bởi ở dưới nước quá lâu sẽ rất dễ bị mất thân nhiệt và huyết áp.

“Từ sau Tết cho tới mùa mưa là thời gian đẹp nhất để lặn ốc giấy, đặc biệt là những ngày nắng đẹp. Lúc đó, khi neo tàu tại ngư trường, mọi người chuẩn bị ống thở, túi lưới và găng tay. Dưới biển ốc giấy nhìn rất rõ vì chúng nổi trên nền cát chứ không chìm như ốc móng tay đâu.

Tuy nhiên, những hôm tối trời rất khó lặn ốc giấy bởi không thể quan sát chúng được. Những ngư trường bữa nay lặn thì tuần sau quay lại vẫn có ốc giấy bởi chúng được sóng biển từ ngoài khơi đưa vào. Vì vậy anh em chúng tôi chỉ loanh quanh ở khu vực biển Cổ Thạch, Cà Ná hoặc ngược lên mạn Chí Công, Gành Sơn chứ ít khi đi xa lắm”, anh Hải chia sẻ.

02.jpg
Ốc giấy, đặc sản của vùng biển La Gàn.

Nhịp sống yên bìn nơi làng biển

Làng biển La Gàn khá nhỏ bé với chỉ vài chục nóc nhà nằm sát ven bờ cát uốn cong cong nhưng lại có hàng trăm ghe tàu, thúng của ngư dân neo đậu. Do mũi La Gàn là một dải đá núi nhô ra phía biển chừng nửa cây số, uốn cong cong như vòng cung, giúp cho vùng biển này ít chịu sóng gió hơn.

Vì thế, bình thường rất đông ghe thuyền neo đậu. Ngoài ghe thúng của ngư dân ở La Gàn, nhiều ngư dân ở bên Liên Hương, cách đó chừng vài cây số cũng neo đậu ghe ở đây vì thuận tiện, dễ đi dễ về. Chỉ tới mùa mưa bão ngư dân mới chạy ghe về cửa sông bên Liên Hương tránh gió mà thôi. Những buổi sáng và buổi chiều, tại bãi cát dài trước làng biển luôn tấp nập ghe thuyền ra vào cùng những sản vật đánh bắt được.

o3.jpg
Anh Dư phân loại ốc giấy.

Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Mỹ Hòa, 45 tuổi, chủ một vựa thu mua ốc của ngư dân ở La Gàn cho biết, toàn bộ các loại ốc ở đây đều được chị gửi vào trong TPHCM cho bạn hàng. “Mỗi ngày tôi mua chừng 2-3 tạ ốc rồi đóng bao gửi xe khách đi vào thành phố. Ốc gửi kiểu gì sáng sớm mai bạn hàng cũng nhận được rồi vì đường cao tốc giờ đi nhanh lắm.

Ốc giấy ở đây tôi có quanh năm đó. Mùa này thì mình lấy của ngư dân lặn, giá cao hơn chút đỉnh. Mấy tháng mùa mưa mình lấy của ghe cào, ghe đáy ở quanh đây. Ghe cào họ cũng có ốc giấy nhưng không đều, con lớn con bé lộn xộn lắm. Nhưng bù lại ghe cào thì ngày mưa gió cũng có hàng. Chỉ khi nào bão lớn họ mới không đi thôi.

Tôi làm nghề này hơn 10 năm rồi, luôn giữ uy tín với bạn hàng vì mình chỉ thu mua ốc tự nhiên, không bao giờ lấy ốc nuôi đâu”, chị Mỹ Hòa kể.

Theo người phụ nữ này, ngoài ốc giấy thì chị còn thu mua ốc giác, ốc gai và sò quạt, những loại hải sản được các thợ lặn ở đây đánh bắt được. Tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm trong năm mà chúng có nhiều hay ít. Hiện nay ốc giấy loại 1 được chị thu mua là 110 ngàn đồng mỗi ký, riêng ốc xô thì giá chỉ còn 80 ngàn đồng.

Lúc này, sau khi ghe của nhóm anh Dư, anh Hải đã neo chắc chắn và những ngư dân đã chia xong phần sản phẩm của mình, từ phía xa xa chúng tôi thấy có thêm những ghe lặn khác chuẩn bị cập bãi cát.

Họ cũng như ghe khác, hầu hết đều săn ốc giấy thời gian này, bởi lý do đơn giản chúng đang có nhiều. Rồi có thể tháng sau, cũng những ngư dân này, họ sẽ chuyển sang lặn ốc móng tay, cũng là một loại đặc sản khác của vùng biển nơi đây.

Thậm chí tới mùa mưa, khi không thể lặn được, họ sẽ chuyển sang lưới ghẹ, càng cúm… Cứ vậy, quanh năm suốt tháng những ngư dân ở La Gàn này gắn bó với biển quê hương, với những món quà mà may mắn đang ngày càng trở lên có giá trị hơn.

ĐOÀN XÁ