Tìm kiếm những ‘luồng gió mới’ trong đời sống văn nghệ cho thiếu nhi
5 năm qua, cứ vào dịp 1/6, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lại công bố danh sách các tác giả đoạt giải. Năm nay, tập truyện dài “Tự truyện của một con heo” cùng sự nghiệp viết, dịch cho thiếu nhi của nhà văn Lý Lan giúp bà nhận giải cao nhất: Hiệp sĩ Dế Mèn.
Nữ hiệp sĩ Dế Mèn đầu tiên
5 năm trước, nhận thấy đời sống văn học cho thiếu nhi có nhiều khoảng trống, số lượng tác giả viết và các chương trình văn hóa - nghệ thuật cho thiếu nhi ngày một thưa vắng, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã phát động Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.
Giải thưởng ra đời với mong muốn là nhằm tìm kiếm những luồng gió mới trong sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi.
Đến nay, sau 5 mùa giải, giải Dế Mèn đã dần trở nên quen thuộc và góp phần thúc đẩy đời sống văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi có phần sinh sắc hơn. Bên cạnh đó, cũng góp phần “đánh động” để nhiều đơn vị liên quan cùng “chuyển động”.
Vì thế, việc gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam hay NXB Kim Đồng tổ chức những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi là những “tiếng vọng” kịp thời, nhằm lấp đi những khoảng trống về văn học cho thiếu nhi vốn đã tồn tại từ nhiều năm trước.
Trong 5 mùa giải vừa qua đã tìm kiếm, tôn vinh nhiều nhà văn, và các cây bút trẻ ở các lĩnh vực văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi, về thiếu nhi. Những mùa giải trước, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Trần Đức Tiến đã được trao giải thưởng lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn.
Ở mùa giải thứ 5 này, lần đầu tiên có một “nữ hiệp sĩ”, đó là nhà văn Lý Lan. Tập truyện dài “Tự truyện một con heo” cùng nhiều sáng tác, dịch thuật cho thiếu nhi được độc giả yêu thích, nhà văn Lý Lan xứng đáng với giải "Hiệp sĩ Dế Mèn".
Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Lâu nay, nhiều bạn đọc vẫn biết đến bà trong vai trò dịch giả của bộ truyện “Harry Potter”. Ở mảng sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Lý Lan có tác phẩm “Ngôi nhà trong cỏ” - giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984), sau đó là tác phẩm: “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”. Nhiều độc giả hẳn sẽ nhớ những áng văn như “Chuyện của vàng anh” và “Cổng trường mở ra” của bà được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.
Nhà văn Lý Lan cho biết, những câu chuyện mang màu sắc đồng thoại có sức hút đặc biệt với bà, do "chịu ảnh hưởng “Truyện ngụ ngôn của La Fontaine”, “Tây du ký”, và sau này là “Panchatantra” của Vishnu Sharma".
"Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay cho bất kỳ ai đều cần tấm lòng của người viết, một tấm lòng chân thành và trân trọng người đọc" - Lý Lan tâm niệm - "Thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, còn văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc. Một người, dù dành hết thời gian đọc sách khi tuổi còn nhỏ thì cũng vất vả lắm mới hưởng thụ được phần cốt lõi của kho tàng văn học vốn đã đồ sộ của nhân loại".
Nhận xét về tập truyện dài “Tự truyện của một con heo”, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: “Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo, và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng...".
Hy vọng từ những gương mặt mới
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 thu hút sự tham gia của 135 tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 - 20/4/2024. Đây là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất so với các mùa giải trước.
Bên cạnh giải Hiệp sĩ Dế Mèn, mùa giải năm nay còn trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn và 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo trong tổng số 11 tác phẩm lọt vào Vòng chung khảo của Giải thưởng.
Cụ thể, 5 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho: “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” (bộ truyện tranh 4 tập) của LinhRab, “Dưới khung trời ngát xanh” (bản thảo truyện dài) của Lữ Mai, “Thư viện kỳ bí” (bản thảo tranh truyện) của Lê Sinh Hùng (14 tuổi); “Trăng ơi… từ đâu đến?” (ca khúc) của Thái Chí Thanh (phổ thơ Trần Đăng Khoa), và “Vương quốc nhỏ bí mật” (thơ) của Lã Thanh Hà (minh họa Như Quỳnh)…
Nhìn lại chặng đường vừa qua, bên cạnh tôn vinh những nhà văn lớn tuổi có bề dày sáng tác cho thiếu nhi, giải thưởng Dế Mèn còn cho thấy sự nỗ lực tìm kiếm và tôn vinh những gương mặt mới, thậm chí còn đang tuổi thiếu niên.
Có thể nhắc tới những cái tên như Cao Khải An (nhận giải khi 11 tuổi), Xèo Chu (14 tuổi), Hoàng Nhật Quang (11 tuổi), Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi), Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) hay gần nhất là Lê Sinh Hùng (14 tuổi).
Xin dừng lại đôi chút để nói về tác giả nhí Lê Sinh Hùng (14 tuổi) vừa nhận giải Khát vọng Dế Mèn với tập truyện tranh “Thư viện kỳ bí”. Đây là tập sách Lê Sinh Hùng vừa viết vừa vẽ tranh. Với cốt truyện hấp dẫn, lớp lang, mở đầu hấp dẫn, có cao trào và kết thúc vừa vặn, vấn đề môi trường và thông điệp được đặt ra trong “Thư viện kỳ bí” rất tự nhiên, không khiên cưỡng, cũng không nặng giáo điều.
Lê Sinh Hùng cho biết, trong “Thư viện kỳ bí”, em muốn nói về 2 chủ đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đó là bảo vệ môi trường và tình bạn. Trước hết, trong cuộc sống hiện đại, mọi người đang ngày càng xa cách nhau bởi vì mạng xã hội. Do vậy, việc cần nuôi dưỡng tình bạn là điều đáng quý.
Ngoài ra, môi trường mà chúng ta đang sống không chỉ có chuyện ô nhiễm, mà đang ngày càng đi xuống theo nhiều hướng. Chẳng hạn, nơi em đang ở - Đà Lạt - đã thay đổi nhiều về khí hậu. Bà và mẹ em kể, Đà Lạt trước đây có thời tiết lạnh, mọi người không thể không có một chiếc áo khoác khi ra đường. Còn Đà Lạt mà em đang sống giờ đây đã nóng lên nhiều…
Có thể nói, giải thưởng Dế Mèn đã có đóng góp nhất định để đời sống văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi biến đổi theo hướng tích cực hơn. Chúng ta hãy cứ tiếp tục yêu quý, nâng niu và bồi đắp cho các em, nhưng cũng đừng nóng ruột tạo ra những áp lực, bởi đó chính là những "hạt mầm" quý giá trong đời sống văn hóa nghệ thuật bây giờ.
Khơi nguồn sức trẻ
Trong số những tác giả được trao giải Khát vọng Dế Mèn có những gương mặt còn khá mới mẻ, và rất trẻ. Đó là cây bút nữ Lã Thanh Hà (sinh năm 1993) là tác giả đầu tiên có tập thơ được trao giải Khát vọng Dế Mèn qua 5 mùa tổ chức của giải thưởng.Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng, so với những bản thảo hay các tập thơ khác, “Vương quốc nhỏ bí mật” nổi bật hơn hẳn bởi phần lớn các bài thơ đều đã thoát ly được khỏi lối mòn thường thấy là mô tả khung cảnh nông thôn với những vật nuôi quen thuộc với thế hệ trung niên; giới hạn tình yêu thương chỉ ở trong tình cảm gia đình, trường học hay luôn tập trung vào mô tả, giảng giải bài học cuộc sống có phần thô sơ...
Chấm điểm cao nhất và với số điểm gần như tuyệt đối cho tập thơ này, PGS.TS, nhà phê bình Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo đã phải thốt lên: "Đã lâu rồi, mới có một tập thơ viết cho thiếu nhi thành công đến vậy".
Theo PGS.TS Văn Giá: "Lối cảm, lối nghĩ của tác giả trong tập thơ này là của trẻ thơ, thuộc về trẻ thơ. Cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo, trìu mến, thanh khiết. Những cách nghĩ, hiểu về thế giới bên ngoài hết sức thông minh, bất ngờ, đột xuất, gây nên những thích thú ở người đọc. Tất cả thuộc về một thế giới trẻ thơ thời hiện đại, đương đại, đồng hành với trẻ thơ hôm nay. Tác giả cho thấy một tài năng thơ thiếu nhi đã xuất hiện... Tác giả đã tạo dựng một thế giới nghệ thuật trẻ trung, tươi mới, hiện đại, không kém phần tinh nghịch, hồn nhiên. Đây là thơ của trẻ em hôm nay".
Ngoài ra cũng còn phải kể tới tác giả LinhRab (tên thật là Nguyễn Thế Linh) với 4 tập truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” dựa trên tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
LinhRab cho biết, khi bắt đầu dự án, anh và các biên tập viên của NXB Kim Đồng đã quyết định để Dế Út bám sát cốt truyện gốc nhưng có thêm những lí giải và cách xử lí tình huống mới lạ. Anh chỉ cố gắng hình dung thật kĩ về nhân vật Dế Út, giữ những diễn biến chính và tưởng tượng nhân vật sẽ ứng xử như thế nào với các tình huống. Cái khó là làm sao diễn tả bằng hình ảnh cho sống động, các nhân vật thật gần gũi và chạm tới các bạn nhỏ.
Sau 7 năm miệt mài, họa sĩ LinhRab đã tái hiện thành công bằng hình ảnh hành trình trưởng thành của Dế Út và dựng lên được một thế giới tự nhiên vừa quen thuộc, lại vừa có nét hiện đại, gần gũi với các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải Dế Mèn mùa 5 nhận định: Bộ truyện tranh này đã sáng tạo dựa vào cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, nhưng tác giả không đơn thuần là chuyển thể sang tranh. Nếu chỉ chuyển thể dựa theo nguyên bản tác phẩm thì cùng lắm cũng chỉ là cái bóng mờ của tác phẩm. Nhưng LinhRab còn mở rộng thêm, đưa đời sống mới vào tác phẩm, vì thế rất sinh động.
Tuy tác giả hơi ôm đồm, nhưng bộ truyện tranh này vẫn là gợi ý cho ta về việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn tác phẩm bằng cách phát triển nó, bổ sung nó, đặt nó trong sự phát triển của đời sống, của tư duy sáng tạo.
T.H