Quốc tế

Dầu mỏ trong thời điểm nhạy cảm

Thanh Đức 03/06/2024 14:39

Giá dầu thế giới đã tăng 1,3 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 31/5, ngay trước khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ nhóm họp vào ngày 2/6.

anhbaitren(4).jpg
OPEC và OPEC+ chiếm khoảng 49% sản lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu. Nguồn: BlooMberg.

Thời điểm cuối tháng 5/2024, giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 84,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 79,83 USD/thùng. Sau nhiều phen đi xuống, thì cả hai đã nhúc nhích tăng. Ông Jim Ritterbusch của Ritterbusch & Associates nhận định, giá dầu nhiều khả năng còn tăng trong tháng 6 nếu đồng USD yếu đi và OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng.

Cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và OPEC+ nhóm họp vào ngày 2/6 sẽ quyết định sản lượng dầu mỏ cung cấp ra thị trường thế giới. Đây được coi là thời điểm nhạy cảm trong bối cảnh giá dầu thế giới có dấu hiệu tụt dốc trước sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu; trong khi kỳ vọng vào các hoạt động sử dụng nguồn năng lượng xanh (thay vì năng lượng hóa thạch) chưa có nhiều kết quả.

Hiên tại, OPEC và OPEC+ chiếm khoảng 49% sản lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu, đồng thời nắm giữ khoảng 80% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới. Liên minh OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Lượng cắt giảm này bao gồm kế hoạch giảm 3,66 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ cho đến cuối năm 2024. Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của một số thành viên sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2024.

Ngược lại, trong trường hợp họ tiếp tục kéo dài việc cắt giảm sản lượng thì giá dầu thế giới dự báo sẽ tăng nhanh.

Vào năm 2020, trong thời gian thế giới phong tỏa vì đại dịch Covid-19, giá dầu thô sụt giảm do nhu cầu lao dốc. Trong bối cảnh đó, OPEC+ đã giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, nhằm vực dậy giá dầu. Tuy nhiên, OPEC+ cho rằng công việc của họ là điều tiết cung cầu chứ không phải giá cả. Nhưng trên thực tế thì giá dầu thế giới hầu như phụ thuộc vào sự điều tiết ấy. Điều đó có nghĩa là OPEC và OPEC+ luôn nắm đằng chuôi.

Trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2023, thị trường dầu mỏ toàn cầu luôn đối mặt với rủi ro đến từ suy thoái kinh tế và sự leo thang xung đột địa chính trị. Năm 2024 này, thế giới tiếp tục chứng kiến sự phức tạp về giá dầu do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn dự báo và căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu năng lượng trên thị trường toàn cầu; đặc biệt là do các quốc gia sản xuất dầu thực hiện chính sách giảm sản lượng, cũng như hạn chế đầu tư vào các dự án thăm dò mới. Do đó, để kéo giá dầu xuống, một số quốc gia (ngoài OPEC và OPEC+) đang tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, IEA cho rằng, động thái đó cũng không cân bằng được nếu OPEC và OPEC+ tiếp tục hạn chế sản xuất, và điều đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.

Trong khi đó, hãng Bloomberg dẫn thông tin từ các đại diện OPEC+ cho biết, một trong các lựa chọn của liên minh vẫn là cắt giảm thêm sản lượng cho dù trước đó đã có thông tin về việc liên minh tạm ngừng cắt giảm để đánh giá tác động tiềm ẩn. OPEC+ còn ám chỉ rằng họ có thể thực thi việc cắt giảm sâu hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu thô. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman phát đi tín hiệu rằng OPEC+ sẵn sàng can thiệp bằng việc cắt giảm sản lượng thêm nữa nếu cần để kéo giá dầu lên.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà tư vấn tại Công ty Energy Aspects Ltd (Anh) cũng cho rằng OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì các đợt cắt giảm hiện có. Vì thế, giá dầu mỏ thế giới sẽ còn đối mặt với thách thức. Trong trường hợp các thành viên OPEC và OPEC+ đưa ra quyết định tiếp tục kéo dài thời hạn giảm sản lượng cung ứng dầu ra thế giới trong cuộc họp diễn ra vào ngày 2/6 thì có thể ngay trong tháng này giá dầu thô sẽ vọt lên 90 USD/thùng, hơn khoảng 6 USD/thùng ở mức giá hiện nay. Còn nếu OPEC và OPEC+ quyết định điều ngược lại, thì giá dầu thô sẽ giảm từ từ, không quá lớn. Điều đó cũng có nghĩa là trong năm 2024, năng lượng hóa thạch tiếp tục tác động mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu, trong lúc năng lượng tái tạo chưa được đón nhận một cách tích cực.

Tuy nhiên, theo chiến lược gia Helima Croft (Công ty môi giới RBC của Canada) thì khả năng OPEC và OPEC+ “sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định quyết liệt nào” sau cuộc họp ngày 2/6.

Các thành viên của OPEC bao gồm: Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Iraq, Iran, Algeria, Libya, Nigeria, Congo, Guinea Xích đạo, Gabon và Venezuela. Các quốc gia ngoài OPEC trong OPEC+ gồm Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Bahrain, Brunei, Malaysia, Mexico, Oman, Nam Sudan và Sudan. Hiên tại, OPEC+ chiếm khoảng 49% sản lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu, đồng thời nắm giữ khoảng 80% trữ lượng dầu của thế giới.

Thanh Đức