Hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng năng suất lao động xã hội; đồng thời cần có cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Hải Dương), tốc độ tăng năng suất lao động năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Mức tăng 3,65% trong năm 2023 là mức tăng thấp rất nhiều so với mức trung bình 6,35% giai đoạn 2016-2019. Một trong những nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực thiếu hụt kỹ năng nghề, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Tuy nhiên, có một nguyên nhân ngắn hạn khá quan trọng, đó là môi trường kinh doanh và thể chế làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế, yếu tố này cần được nhấn mạnh.
“Trước tình hình tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, đề nghị Chính phủ cần có “cú hích” mạnh cho kích cầu tiêu dùng. Khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT rõ ràng và có kỳ hạn đủ dài, ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay để tăng hiệu quả kích cầu. Cân nhắc điều chỉnh tăng, giảm một số nguồn thuế cho phù hợp. Tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng, kể cả chi tiêu của Chính phủ” - ông Sơn nói và cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng một cách phù hợp.
Trong khi đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) kiến nghị cần phải có cơ chế, chính sách để tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến tăng trưởng toàn ngành, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực công nghiệp và là một động lực chính để tăng trưởng kinh tế của đất nước ta trong nhiều năm qua.
“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và là nền tảng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế” - ông Thắng nêu vấn đề.
Ông Thắng cũng đề xuất, nên nghiên cứu để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng quan trọng và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao như: Sản xuất chip, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH Ninh Bình) cũng cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi thì Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.
Theo bà Thanh, hiện nay các chỉ tiêu an toàn nợ công ở mức thấp và an toàn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế phí cho các doanh nghiệp (DN) và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024. Đẩy mạnh hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, có chính sách giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.
Trong khi đó, ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH Hà Nam) đề nghị, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo nguồn cung ứng, không để tăng giá đột biến các loại hình dịch vụ và mặt hàng thiết yếu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân.
Qua tiếp xúc và làm việc với các DN, các DN FDI trên địa bàn, ông Thắng đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế mua, bán điện trực tiếp, các DN trong các khu công nghiệp được lắp điện áp mái và sử dụng điện áp mái. Vì hiện nay nhiều hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ yêu cầu phải có chứng minh hàng hóa sản xuất từ điện xanh, điện sạch. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì chúng ta sẽ mất đi tính cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa.
Theo chương trình, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày; từ ngày 4 - 6/6, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Kiểm toán Nhà nước; Văn hóa, thể thao và du lịch. Dự kiến, Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền) cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn của các ĐBQH (ngày 6/6).