Sức khỏe

Ho gà gia tăng bất thường tại Hà Nội

Đức Trân 04/06/2024 13:26

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 98 ca mắc ho gà, trong khi năm 2023 không ghi nhận ca bệnh nào. Hầu hết ca bệnh đều là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

bai-chinh(2).jpg
Tiêm vaccine phòng ho gà cho trẻ. Ảnh: VNVC.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 98 ca mắc ho gà - trong khi cùng kỳ năm 2023 trên địa bàn thành phố không có ca bệnh.

Mặc dù đánh giá các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch, tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đưa ra dự báo, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Trước tình hình số ca bệnh ho gà tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng so với những năm trước đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lý giải, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, số trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh không đạt được 100%, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Bên cạnh đó, do có những giai đoạn Việt Nam bị thiếu vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nên một số nhóm trẻ đã bị ngưng tiêm hoặc tiêm chưa đủ khiến miễn dịch không đảm bảo.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên, sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của thanh quản, khí quản. Ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin – đây là loại protein động lực chính đóng vai trò gây bệnh.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.

Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp), bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Cũng chính những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đây là căn bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...

Đáng lưu ý là bệnh ho gà có những dấu hiệu khởi phát tương tự như cảm lạnh thông thường nên nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, tự mua thuốc uống hay áp dụng kinh nghiệm dân gian. Điều này làm bệnh ho gà trở nặng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Ngoài việc ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thì một điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Theo BS Lâm, cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác, kể cả trẻ đã được tiêm phòng và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.

Đức Trân

Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Hiện nhiều trẻ bị ho gà do chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng. Bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.

Đức Trân