Giám sát - Phản biện

“Thoi thóp” làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Nguyễn Chung 04/06/2024 13:28

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Dự án làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đang nằm trong tình trạng “thoi thóp”. Từ chỗ có hơn 160 hộ dân, đến nay làng chỉ còn hơn 30 hộ bám trụ. Vậy, đâu là nguyên nhân?

anh-to-bai-tren.jpg
Những căn nhà bỏ hoang bên trong Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Ảnh: Nguyễn Chung.

Những căn nhà hoang

Xã Xuân Hòa, huyện miền núi Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) những ngày này nắng như đổ lửa. Bên bờ ta-luy dương, trụ sở của Tổng đội nằm chênh vênh trên một mỏm đồi. Lối vào cổng chính, rác chen lẫn cỏ dại mọc um tùm như lâu lắm không có dấu chân người ngang qua. Bên trong khuôn viên, các dãy nhà từng được xây dựng quy mô, bề thế nay đã xuống cấp, cửa bung bản lề do mối mọt, kính vỡ và tường đầy rêu phong.

Tổng đội Phó Lê Ngọc Tân nói: “Nhiều khó khăn lắm. Giờ ở đây chỉ có tôi vừa là công dân, vừa là cán bộ thường trực của Tổng đội”.

Năm 2007, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được phê duyệt và triển khai trên diện tích 600ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phụ trách, quản lý. Mục tiêu của dự án là đưa nhiều thanh niên trong tỉnh lên đây khởi nghiệp. Với sức trẻ và sự cần mẫn của họ sẽ góp phần làm thay đổi kinh tế - xã hội ở một vùng đất khó của huyện Như Xuân. Sau khi công bố tuyển người, dự án đã tuyển được 141 hộ, trong đó có 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ (tiền thân là công nhân Lâm trường Sông Chàng). Với định mức, mỗi hộ khi tham gia dự án sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3ha đất sản xuất.

Có thể nói, mục tiêu ban đầu của dự án là rất khả thi, 141 hộ đầu tiên lên đây đều hăng hái xây dựng nhà cửa, ổn định chỗ ở và thi đua đầu tư sản xuất trên nền diện tích được giao. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá mía giảm mạnh; cao su cho lượng mủ ít, thu nhập của người dân không được như kỳ vọng, nhiều hộ đã phải từ bỏ. Từ chỗ làng có đến hơn 160 hộ, sau gần 10 năm, hiện nay làng chỉ còn 70 hộ, trong đó con số thực chỉ là hơn 30 hộ ở cố định.

“Tôi đưa vợ con lên đây lập nghiệp từ năm 2018. Sau hơn 4 năm, tổng số tiền đầu tư vào đây đã lên đến con số 3 - 4 tỷ đồng mà chưa biết đến bao giờ mới thu hồi lại được vốn. Khó khăn không chỉ là thời tiết khắc nghiệt khiến đàn gia cầm luôn đau ốm, thất thoát mà còn là giá nông sản xuống thấp, khiến nhiều gia đình không thể trụ lại. Đặc biệt, do vướng cơ chế, đến nay làng vẫn chưa được cấp một tấm sổ đỏ nào. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho các hộ dân. Muốn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng không có tài sản để thế chấp ngân hàng” - anh Tân nói.

Đi sâu vào phía bên trong làng, hai bên đường là những căn nhà bỏ hoang, mái tường nứt toác, tróc lở, những bể nước khô cong… cỏ hoang và cây dại bao kín sân tường. Nhiều nhất là tại các cụm 2 và 3. Riêng tại cụm 1 - cụm được xem là có cuộc sống khá nhất thì hiện cũng chỉ có 12 hộ đang sinh sống.

anh-nho-bai-tren.jpg
Tổng đội Phó Lê Ngọc Tân trong trại gà của mình.

Cần gỡ vướng

Là người đưa gia đình lên đây lập nghiệp từ những ngày đầu, anh Lê Kim Hùng - ở cụm 1, Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng chuẩn bị cho mình tâm thế chịu khó chịu khổ và ôm ấp nhiều dự định, hoài bão. Nhưng phải sau gần 10 năm, cuộc sống của gia đình 4 nhân khẩu mới tạm ổn.

Khi mới lên đây, đứng trước những ngọn đồi cằn cỗi, trơ sỏi đá nhưng anh Hùng cũng như nhiều anh em khác động viên nhau không nản chí. Mọi người bắt tay vào dựng nhà, khoan giếng, đào ao, bắt đầu cho một cuộc sống mới, với niềm tin sắt đá “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhưng thực tế, thiếu nước, thời tiết khắc nghiệt khiến cây mía, cây sắn trồng xuống cứ èo uột, cho năng suất, chất lượng thấp, sản lượng thu về không đáng là bao so với công sức bỏ ra, mọi người động viên nhau cùng cố gắng. Vậy rồi vụ sau và nhiều vụ sau nữa cũng chẳng có gì đổi khác.

“Giờ thì tất cả trông vào bưởi, mít và số ít nông sản khác, cũng đủ sống chứ không dư dật. Nhưng điều cần nhất là cấp sổ đỏ cho bà con đủ điều kiện để có thể cầm cố, thế chấp ngân hàng mà suốt 8 năm qua có được đâu. Họp dân, tiếp xúc cử tri lần nào cũng đưa ra chất vấn. Nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được” - anh Hùng nói và cho biết thêm để thuận tiện cho việc quản lý hành chính, đến năm 2018, Làng Thanh niên được sáp nhập nhân khẩu về với xã Xuân Hòa và trở thành nòng cốt cho phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên, một làng với chỉ hơn 30 hộ dân thường xuyên có mặt, không nước sạch, không sổ đỏ thì xây dựng nông thôn mới chưa biết dựa vào đâu.

Cuối năm 2022, có doanh nghiệp đến làm một con đường bê tông chạy thẳng vào khu đất được cho là đẹp nhất làng và tiến hành trồng xoài (khoảng 19ha). Khi các hộ dân thắc mắc thì chính quyền xã Xuân Hòa không trả lời. “Chúng tôi rất bức xúc vì rõ ràng một diện tích lớn đất của dự án đang được “xẻ thịt”, phục vụ cho một vài cá nhân có mục đích khác. Hỏi chính quyền xã thì họ chỉ trả lời chung chung rằng: Theo quy định thì đối với hộ gia đình canh tác diện tích hơn 10ha sẽ được nhà nước đầu tư làm đường bê tông chạy vào khu đất. Nhưng khi hỏi ai làm thì xã không trả lời được” - anh Hùng bức xúc cho biết.

Ông Lê Văn Châu - Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa lại tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng đời sống của anh em Làng Thanh niên lập nghiệp đang ổn định cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Theo kế hoạch thì đến cuối năm 2024, người dân thuộc Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sẽ có sổ đỏ.

Nguyễn Chung