Mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày
Chiều 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Đặt vấn đề chất vấn, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. “Những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này?”-ông Nghĩa chất vấn và nói rằng: giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? Đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để vấn đề này?
Theo ĐB Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang), các hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử đang phát triển và Bộ Công Thương được giao xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng xuất, nhập khẩu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các chính sách ban hành thời gian qua và trước khi ban hành chính sách đó, việc quản lý các doanh nghiệp trong thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thượng mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Sử dụng lực lương quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch.
Đồng thời, theo ông Diên phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.
Trả lời ĐB Lam, ông Diên cho biết, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên môi trường thương mại điện tử rất khó. Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, phê duyệt Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu.
Thời gian tới, để tăng cường quản lý thương mại điện tử đối hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ sẽ đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương; ban hành cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành quản lý về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu thương mại điện tử, tách bạch hàng hóa thông thường và hàng hóa thương mại điện tử, bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng. Tăng cường kiểm tra, xử lý về nguồn gốc để tránh hàng giả.
Tranh luận, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Bộ trưởng cần nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để bảo vệ người tiêu dùng.