Chính trị

Ngày đầu chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Ô nhiễm môi trường và thương mại điện tử cùng nóng

H.Mai-H.Vũ 05/06/2024 07:57

Ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Nhiều ĐBQH đặt vấn đề quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ô nhiễm các dòng sông. Trong khi đó, chất vấn của ĐBQH đối với Bộ Công thương tập trung vào vấn nạn gian lận trong thương mại điện tử.

1-a1.jpg

Mất bao lâu để xử lý tổng thể ô nhiễm các dòng sông?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đề nghị cho biết, giải pháp và kế hoạch của Bộ trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng. Trong đó có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong Luật Tài nguyên nước có nội dung liên quan đến việc phải phục hồi các dòng sông chết. Thời gian qua các địa phương và Bộ TNMT đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu. Việc xả thải từ các khu công nghiệp đã được kiểm soát, nhưng còn cụm công nghiệp và làng nghề chưa đủ nguồn lực để xử lý. Ông Khánh cũng cho biết Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Bộ TNMT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này.

Tranh luận thêm, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn ĐBQH Lai Châu) cho biết, các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn. Đề nghị, làm rõ trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường khi để xảy ra trình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Trong khi đó, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH Nam Định), tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Nước thải từ đô thị, làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.

Bộ trưởng TNMT thừa nhận vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thể: nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng, và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương. Vừa qua Bộ TNMT đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhật và kiểm tra xử lý vấn đề này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu.

anh-1-trang-2.jpg
ĐBQH Trần Kim Yến (Đoàn TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Quang Vinh.

Ngăn chặn tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng, cần đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua và giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng TNMT cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền núi phía Bắc. Để khắc phục và giảm thiểu tối đa, Bộ TNMT đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào. Bên cạnh đó, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư. Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Đặc biệt, phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé chỉ rõ, nguyên nhân làm gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam là tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Do đó Bộ TNMT cần quan tâm và có giải pháp quản lý tốt hơn vấn đề này. Bộ trưởng TNMT bày tỏ đồng tình và thông tin thêm: Bộ TNMT đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế.

anh-2-trang-2.jpg
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Công thương. Ảnh: Quang Vinh.

3 thách thức lớn trong thương mại điện tử

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH TPHCM) phản ánh, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này?

Theo ĐB Mai Khanh (Đoàn ĐBQH Ninh Bình), Bộ Công thương hiện đang công khai các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên cổng thông tin hoạt động TMĐT. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Bộ Công thương đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, đổ bộ vào nước ta làm ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng; thất thu thuế...

Về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, ông Diên thừa nhận đúng là có lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng. Bộ Công thương đã nhận diện và nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7 tới hy vọng sẽ khắc phục tình trạng trên.

“Thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực trong đó có TMĐT. Đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới, yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng” - ông Diên nói.

Về bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ hàng Việt, theo Bộ trưởng Công thương, có tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua TMĐT thâm nhập vào thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp sản xuất ở trong nước. Trước tình trạng này Bộ Công thương đã thường xuyên khuyến nghị nhà sản xuất cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhất là trên môi trường TMĐT. Bộ Công thương đã triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của cả nước. Năm 2023 cổng này đã gỡ bỏ hơn 18 ngàn sản phẩm và chặn hơn 5 ngàn gian hàng vi phạm. Tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng trên TMĐT.

Thời gian tới Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT. Theo đó tách bạch giữa luồng hàng hoá thông thường với hàng hoá TMĐT để tăng cường quản lý. Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh nhập khẩu qua TMĐT cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế. Hiện đang quy định hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng thì không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Có 4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác thì mỗi tháng trên dưới 1 tỷ USD hàng nhập khẩu, đồng nghĩa với việc thuế của chúng ta bị thất thoát ở chỗ này nếu không điều chỉnh. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên TMĐT …

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Công thương cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên còn thất thu thuế trong lĩnh vực này. Bộ Công thương tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch TMĐT để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong TMĐT.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Đồng thời tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên TMĐT không kê khai thuế.

THÔNG CÁO SỐ 14 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ Ba, ngày 4/6, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh với các nội dung chính: Quản lý khai thác, bảo vệ tài nguyên biển; an ninh nguồn nước; hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước...

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc phạm vi trách nhiệm của Chính phủ. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, với các nội dung chính: Công tác giám sát, quản lý, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp nông thôn. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.

Theo VPQH

H.Mai-H.Vũ