Nỗi lo trước mùa mưa bão
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hàng trăm kilomet đê, kè chưa đạt cao trình quy hoạch phòng, chống lũ cần được nâng cấp. Điều này đang khiến nhiều địa phương lo lắng khi mùa mưa bão đã cận kề.
Tại tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) - một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch - bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ. Mặt trạch, mặt đê tả sông Lèn hiện tại thấp hơn cao trình đê thiết kế từ 0,28 - 1,25m nên chưa đảm bảo việc chống lũ.
Ông Nguyễn Văn Tiến – người dân trú tại Độ thôn xã Lĩnh Toại cho biết, đây là tuyến đê bảo vệ cho hàng vạn nhân khẩu trong các mùa mưa lũ nhưng từ lâu đã bị xuống cấp và thấp hơn rất nhiều so với các tuyến đê khác, khiến bà con rất bất an khi mùa mưa lũ đã cận kề. “Tại khu vực này, có rất nhiều hộ dân nuôi cá lồng, bè giá trị kinh tế cao nên mùa mưa lũ đến gần, chúng tôi rất lo lắng. Nếu không may lũ lớn tràn về, đê không đủ sức chống chọi thì sẽ rơi vào cảnh trắng tay vì toàn bộ tài sản của gia đình nằm ở đây. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chiều cao đê để yên tâm phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông Trịnh Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết: “Trước đây, đoạn đê nói trên từng bị tràn và vỡ. Năm 2007-2008, nhà nước đã đầu tư kè lại nhiều đoạn xung yếu tuy nhiên hiện nay đê đã xuống cấp và thấp hơn cao trình chống lũ theo quy hoạch. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt gói thầu số 7, nhằm nâng cấp hơn 600m đê xung yếu nhưng vẫn chưa kịp thi công. Nếu đê gặp sự cố, nước lũ sẽ ảnh hưởng tới 5 xã xung quanh, nên việc đầu tư nâng cấp đê là rất cần thiết”.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Hà Trung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay nhiều đoạn đê, kè chưa đạt cao trình thiết kế. Tuyến đê tả sông Lèn qua xã Lĩnh Toại trước đây có sạt lở, năm 2007 nước lũ lên cao tràn mặt đê nhưng đã được kè bảo vệ. Toàn bộ đê qua xã vẫn ổn định, riêng cao trình đỉnh đê thì nhiều vị trí thiếu so với quy hoạch. Việc thiếu cao trình đỉnh đê không chỉ ở đê tả sông Lèn, mà tồn tại ở rất nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
“Có thể thấy, với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai cực đoan, bão và lũ ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc khiến cho việc dự báo gặp nhiều khó khăn. Việc đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai là vấn đề khá cấp thiết. Cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra liên quan đến mất an toàn đê điều. Về phía hạt, chúng tôi luôn có phương án hộ đê để ứng phó với tình huống xấu do mưa lũ gây ra” – ông Lâm nói.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.008km đê sông và đê biển. Trong đó: Có 64,7km đê cấp I; 183,6km đê cấp II; 66,7km đê cấp III; 693km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.121 công trình cống âu và 433 công trình kè bảo vệ với tổng chiều dài 253,76km.
Đối với các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, cao trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ lịch sử đã xảy ra. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 131,5km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 63,07km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu; 123,91km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Một số đoạn đê sát sông, đang có diễn biến sạt lở cần theo dõi, như: Đê hữu đông Mã (đoạn qua thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa); đê tả sông Lèn (đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung); đê hữu sông Lèn (đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc)… Ngoài ra, có 22 công trình đê từ cấp I đến cấp III đang được đầu tư nâng cấp, tu bổ, tổng chiều dài 14,6km, tỷ lệ khối lượng thực hiện ước đạt từ 20 - 90%...
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở đã cho ra soát cụ thể lại các tuyến đê xung yếu, đặc biệt là đối với các đoạn đê chưa đủ cao trình chống lũ. Qua đó phối hợp chặt chẽ, cụ thể với các địa phương xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm đê năm 2024, gồm: 2 trọng điểm đê cấp tỉnh loại I; 32 trọng điểm đê cấp huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, đặc biệt là các vị trí đang có diễn biến hư hỏng để sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình tu bổ, nâng cấp đê điều, đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào hoạt động phục vụ phòng, chống lũ lụt năm 2024…