Văn hóa

Ca trù trong dòng chảy thời gian

Phạm Sỹ (thực hiện) 05/06/2024 08:57

Ca trù có từ bao giờ, nơi nào trên mảnh đất Kinh kỳ đã lưu dấu sự hiện diện và phát triển của ca trù? Trải qua thời gian loại hình diễn xướng dân gian này có những biến đổi ra sao? là những vấn đề đã được đạo diễn, NSND Việt Hương đặt ra khi thực hiện phim tư liệu “Ngàn năm sênh phách”.

nsnd-viet-huong-anhbaiduoi.jpg
Đạo diễn, NSND Việt Hương.

PV: Lý do nào đã thôi thúc chị làm phim về nghệ thuật truyền thống ca trù?

Đạo diễn, NSND Việt Hương: Tôi là đạo diễn và cũng là một nhà báo của VTV ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy tôi quan tâm tới các thể loại đề tài và làm đa dạng. Tuy nhiên với văn hóa truyền thống, trong đó có ca trù là một trong những thể loại mà tôi đặc biệt quan tâm.

Ca trù đã cuốn hút tôi. Với vai trò của một người nghệ sĩ, tôi tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm tìm cách quảng bá cũng như kêu gọi để loại hình nghệ thuật đặc biệt này có nhiều cơ hội được bảo vệ và phát triển hơn nữa. Chính vì thế, tôi đã quyết định làm phim tài liệu “Ngàn năm sênh phách”. Tôi muốn khán giả thấy được lịch sử của ca trù đã phát triển, suy thoái và tồn tại ra sao để họ cảm nhận vẻ đẹp, giá trị thực thụ của ca trù.

“Ngàn năm sênh phách” là phim tài liệu, mang đến thông tin một cách biện chứng qua các nhà nghiên cứu ca trù để cho khán giả thấy lịch sử ca trù có từ bao giờ? Ca trù phát triển ra sao? Cực thịnh rồi suy thoái, tưởng như mất đi và hồi sinh như thế nào? Thông qua đó tôi cũng đem đến vẻ đẹp thực thụ của ca trù qua các hình thức như múa hát cung đình, hát cửa đình, hát chơi ca quán.

Trong quá trình làm phim về nghệ thuật ca trù, chị có cảm nhận như nào về các nghệ nhân?

- Các nghệ nhân đều là những người đau đáu với nghệ thuật ca trù, nhưng do hoàn cảnh và điều kiện xã hội, họ không thể trang trải cuộc sống nhờ biểu diễn môn nghệ thuật này. Chính vì vậy các nghệ nhân chỉ hát cho vơi nỗi nhớ nghề. Những nghệ nhân giỏi, hiểu biết về ca trù nay đã già và không còn nhiều. Một số người còn minh mẫn lại có những nỗi niềm chỉ có thể trút vào cung đàn nhịp phách.

Có một điều đáng mừng là hiện nay có nhiều câu lạc bộ ca trù ra đời. Tuy nhiên để trở về với thời hưng thịnh của môn nghệ thuật này thì rất khó. Bởi ngoài có giọng hát và tập luyện thì còn cần có trình độ am hiểu về văn thơ. Chưa kể trong mỗi một tổ nghề ít truyền thụ cho người ngoài mà chỉ truyền cho con cháu hoặc một số đệ tử thân cận. Chính vì vậy mà ca trù lại càng khó phát triển.

Chị có suy nghĩ gì về vấn đề bảo tồn phát huy giá trị của di sản nói chung và nghệ thuật ca trù nói riêng?

- Theo tôi, muốn bảo tồn văn hóa thì không thể chỉ có cá nhân mà cần có sự chung tay của toàn xã hội và cần phải có chiến lược dài hơi. Nhà nước cần có chính sách phát huy bảo tồn một cách hệ thống. Cần phải đưa các môn nghệ thuật truyền thống vào trường học để các thế hệ học sinh được tiếp cận bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chiến lược đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa cho nghệ thuật truyền thống nói chung và ca trù nói riêng. Cùng với đó đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giá trị và nét đẹp của nghệ thuật ca trù.

Trân trọng cảm ơn chị!

Theo PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Với “Ngàn năm sênh phách”, ca trù được nhìn nhận ở các chiều không gian, thời gian khác nhau. Đặt ca trù trong không gian đa văn hóa, trong đường biên của các thể loại văn học, và đặc biệt là qua gương mặt con người, đạo diễn Việt Hương mong muốn mang đến cho khán giả những tư liệu về lịch sử, giá trị vẻ đẹp về nghệ thuật và số phận của ca trù.

Phạm Sỹ (thực hiện)