Đã có thêm khoảng 10.000 người đăng ký hiến tạng
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia) cho biết, kể từ sau Lễ phát động đăng ký hiến tạng diễn ra ngày 19/5 vừa qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng trực tiếp đăng ký hiến tạng, số lượng người đăng ký tăng rất nhanh, thêm khoảng 10.000 người.
Theo ông Hệ trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam có khoảng 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Hiện mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện (BV), trong đó có 24 BV ở miền Bắc, 29 viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Hệ cho biết, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia ước tính tại Việt Nam có 500-600 BV có nguồn chết não “tiềm năng”, trong tổng số khoảng 1.500 BV trên toàn quốc. Nếu mở rộng được mô hình mạng lưới vận động, trong 5-7 năm chúng ta sẽ có nguồn hiến tạng từ người cho chết não tương đương Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy, nhiều BV và các cơ sở y tế đã tham gia và hưởng ứng tích cực Lễ phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện. Điều này đã giúp chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người trong cộng đồng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Sở Y tế Quảng Ninh đã phát động hưởng ứng Đăng ký hiến mô tạng cứu người tại BV Bãi Cháy. Hoạt động này đã ghi nhận hơn 100 cán bộ, nhân viên y tế BV Bãi Cháy đăng ký tham gia hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người với tinh thần “Cho đi là còn mãi”. Đáng lưu ý, Quảng Ninh hiện nay là địa phương đầu tiên trong cả nước có BV tuyến tỉnh thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ người chết não. Đặc biệt, việc thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh là một dấu mốc trong công tác tư vấn vận động hiến tạng tại các cơ sở y tế, góp phần xây dựng và mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.
Cùng thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, BV trung ương Quân đội 108 đã phát động chương trình “Đăng ký hiến mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi”. Đây là sự kiện nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người. Ngay sau chương trình, đã có khoảng 100 người, trong đó có Ban Giám đốc BV, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên BV trung ương Quân đội 108 đã đăng ký hiến mô, tạng để tiếp tục lan tỏa sâu rộng nghĩa cử cao đẹp “Kết nối yêu thương, tiếp nối niềm tin, thắp sang hy vọng, ươm mầm sự sống.
Trước đó đã có một số cơ sở y tế phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng như BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh); BV đa khoa Cẩm Phả, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh)…, đã diễn ra Lễ phát động đăng ký hiến mô tạng năm 2024 với chủ đề “Đăng ký hiến mô tạng – Cho đi là còn mãi”.
Thực tế đã cho thấy phong trào đăng ký hiến mô, tạng đã lan toả. Tuy nhiên so với nhiều nước có tương đồng về văn hóa trong khu vực, tỷ lệ người đăng ký tham gia hiến mô, tạng của Việt Nam vẫn thấp. Cùng đó, tỷ lệ hiến mô tạng của người cho chết não tại Việt Nam cũng thấp, có đến 94% người hiến mô, tạng là người cho sống.
Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 BV thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy… Dù số lượng ca ghép ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh.
Bộ Y tế cho hay, từ ca ghép thận thành công đầu tiên vào năm 1992, đến nay, sau hơn 30 năm, nước ta đã thực hiện được hơn 8.600 ca ghép tạng. Riêng trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm nước ta ghép hơn 1.000 ca, trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á.