Người ‘thổi tù và’ cho văn học thiếu nhi
Tôi gặp nhà thơ Phạm Đình Ân ngoài đời khá sớm. Năm 1992, khi tôi bước chân về Thanh tra Chính phủ (lúc đó còn gọi là Thanh tra Nhà nước) cùng mấy anh em xây dựng nên tờ báo Thanh tra thì đã gặp Phạm Đình Ân. Tất nhiên, ông đến để cộng tác mảng văn nghệ.
Bây giờ Phạm Đình Ân, với tư cách là cố vấn biên tập của Thời báo Văn học nghệ thuật, nên chúng tôi vẫn gặp nhau thứ 5 hàng tuần. Đúng là cái duyên. Đúng là có cái “chớp mắt” - như cách gọi của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời, đã gần 35 năm.
Có điều tôi thấy, Phạm Đình Ân vẫn vậy, lúc thì ưu tư, lúc thì ngơ ngác. Đấy là điều không thay đổi ở ông. Ông không thể “mập” lên, khuôn mặt, dáng người khắc khổ như ngày đầu tôi gặp.
Phạm Đình Ân đến với thơ từ khi tôi mới “chào đời”. Ông tâm sự: “Tôi làm thơ từ những năm đầu 60 của thế kỷ trước, in ở báo tỉnh nhà. Đầu năm 1968, vào Tết Nguyên đán, khi đang học năm thứ ba đại học, tôi được in bài thơ đầu tiên trên báo Văn Nghệ. Có thể nói, đó là lần đầu tiên công bố sáng tác thơ trên ấn phẩm báo chí ở Trung ương”.
Có nghĩa là đã hơn nửa thế kỷ Phạm Đình Ân chung thủy với thơ. Nói như nhà lý luận phê bình Phạm Ngọc Luật thì, với Phạm Đình Ân “chẳng có đam mê nào khả dĩ so đọ được với thơ”.
Phạm Đình Ân tuổi Tuất, thiên can đứng chữ Bính, mệnh Thổ. Thường người sinh vào năm có chữ “Bính” là người cô đơn, người ngoài khó hiểu nỗi lòng. Mặc dù quê gốc nội, ngoại là 2 tỉnh thuộc Hà Nam Ninh (cũ) nhưng ông từng sống nhiều năm ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp (1969).
Những năm 1971 - 1972, lúc đang là phóng viên báo Nhân dân, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào những giai đoạn vừa khốc liệt vừa quyết định, nhà thơ Phạm Đình Ân đã tình nguyện đi công tác... vào “tuyến lửa” Quảng Bình. “Cùng lăn lộn với dân, ăn ở với bộ đội. Có lúc cát bay đầy bát cơm. Tôi đi tự túc đấy, nhảy tàu, nhảy xe đủ cách. Thời trẻ trung nó hừng hực khao khát”, ông tâm sự.
Sau 10 năm làm việc ở báo Nhân dân, Phạm Đình Ân chuyển sang báo Văn nghệ, 13 năm làm Trưởng ban Lý luận phê bình và năm 2010 ông nghỉ hưu.
Từ đó đến nay ông vẫn viết báo và sáng tác đều ở cả hai lĩnh vực thơ trữ tình và thơ cho các em. Nhìn vào tác phẩm, nhìn vào hoạt động, biết Phạm Đình Ân chưa bao giờ ngơi nghỉ. Năm 61 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về văn học.
Phạm Đình Ân sáng tác thơ là chủ yếu nhưng còn tham gia thêm văn xuôi, viết phê bình tiểu luận. Cho đến nay, ông đã có gần 30 tác phẩm các loại.
Gần như Phạm Đình Ân sinh ra là để viết cho thiếu nhi. Năm 1977, với xuất bản phẩm là năm đầu tiên Phạm Đình Ân xuất hiện cùng ba tác giả khác trong “Chim khen bé ngoan”.
Đến nay, ông đã có 18 tác phẩm (thơ, văn) viết cho thiếu nhi, chủ yếu được “đặt hàng” xuất bản ở NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục. Trong số này có tác phẩm được tái bản nhiều lần như “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” (bộ sách 5 tập); “Chuyện kể thành ngữ” (bộ sách 2 tập); bộ sách 2 tập về cảm thụ thơ trong sách tiểu học gồm 2 tập. Như vậy Phạm Đình Ân đã có 47 năm - gần nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi.
Vừa rồi tôi gặp lại ông ở Thời báo Văn học nghệ thuật. Ông tặng tôi tập “Vui cùng thơ đố”, cũng là tập thơ dành cho thiếu nhi. Tập thơ này khá đặc biệt.
“Đây là tập thơ lục bát dành cho trẻ em mà mỗi bài thơ là một hệ thống những câu hỏi dạng đố vui về con người, sự vật, sự việc, hiện tượng... muôn vẻ, muôn màu. Tên gọi từng bài chỉ bằng một âm tiết là cái cớ nảy sinh câu đố và giúp kết nối các câu thơ thành bài thơ”, nhà thơ Phạm Đình Ân chia sẻ.
“Vui cùng thơ đố” chỉ có 32 bài, được nhà thơ chia ra làm 3 phần: Phần I: “Từ đầu qua bụng xuống chân” (gồm 17 bài); Phần II: “Miên man cái biết mọc mầm trổ hoa” (gồm 15 bài); Phần III: “Giải đố” (giải đố các câu hỏi ở 2 phần trước). Tên 2 phần đầu đã là 2 câu thơ đáng yêu, kích thích tò mò của thiếu nhi. Sách được trình bày đẹp, ngoài thơ còn nhiều phụ bản in màu sinh động.
“Mắt gì con gái ưa nhìn
mỏng manh như lá, gọi tên bao đời?
Mắt gì đen láy bạn ơi
giống loài chim đẹp, làm tôi khen thầm?...”
(Mắt gì?)
“Học gì xoen xoét chim ca
thuộc hơn cháo chảy thành ra của mình?
Học gì, khôn thế thưa anh
mau nghe nhanh viết rành rành cho tôi?...”
(Học gì?)
Thơ thiếu nhi cần trong sáng như một bình pha lê, thả những con cá chữ, mỗi con một màu sống động.
Phạm Đình Ân
Bài thơ “Mắt gì?” có 8 câu đố, bài thơ “Học gì?” có 6 câu đố. Cả 32 bài có rất nhiều câu đố, gần gũi với đời sống của thiếu nhi. Nhà thơ Phạm Đình Ân tiếp tục thể hiện ông là người rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, chính xác, thông minh và thân thiết với trẻ em.
Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi (và cả người lớn) từng nhắc nhớ đến Phạm Đình Ân qua các bài thơ: “Năm anh em”, “Trăng của bé”, “Có kẻ lách vào vườn”, “Sao Hôm sao Mai”, “Quà của bố”, “Sắc màu của em”, “Cỏ may”, “Giấu cô trong tủ”... và chùm thơ viết về Trường Sa cho các em.
Sáng tác cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân được in trong khoảng 30 tuyển tập xuất bản ở Trung ương và địa phương. Đó là sự ghi nhận về “văn bản” tác giả. Đặc biệt, hai bài thơ “Quà của bố”, “Sắc màu em yêu” và bài văn “Cây chuối của mẹ” được tuyển in trong sách Tiếng Việt của bậc tiểu học.
Phạm Đình Ân tự hào chính đáng, bởi “gia tài” thơ văn cho trẻ em của ông “không hề nhỏ”; khoảng 10 bài thơ viết cho thiếu nhi của ông được tác giả phổ nhạc. Với tư cách đồng tác giả (tác giả phần lời), nhà thơ Phạm Đình Ân đã 3 lần cùng các nhạc sĩ được nhận Giải thưởng quốc gia về âm nhạc cho thiếu nhi.
Không chỉ cống hiến với tư cách viết, Phạm Đình Ân còn là người khuấy động phong trào. Từ năm 2010 cho đến năm 2016, ông giúp báo Người Hà Nội (nay là tạp chí cùng tên) tổ chức chuyên mục thơ “Dành cho trẻ em”. Ông luôn độc hành “thổi tù và” cho văn học thiếu nhi, vô tư, tận tụy.
Nếu tính giải thưởng văn học, Phạm Đình Ân có giải Nhì của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho tập thơ “Phấn hoa bay” (2010); Giải Ba cho tập thơ “Mầm mưa bay” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2017).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là người rất quan tâm đến mảng văn học dành cho thiếu nhi. Ông từng chia sẻ: “Nhu cầu đọc của những đứa trẻ, của các bậc phụ huynh, của những người luôn luôn suy nghĩ về chiến lược giáo dục cho trẻ em là rất lớn. Trong khi đó, sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta rất mong manh”.
Trong tình hình như vậy, đóng góp của Phạm Đình Ân thật đáng ghi nhận. Ông vốn không ồn ào, thầm lặng suy nghĩ, thầm lặng cảm xúc và “sòn sòn” công bố tác phẩm. Gần Phạm Đình Ân sẽ nhận ra “căn tính” tận tụy, hào hứng, trong veo về cảm xúc.
Nhà thơ Tùng Bách một người cũng có những thành công với những tác phẩm viết cho thiếu nhi, từng nói: “Viết cho trẻ em không dễ, phải hóa thân thành trẻ em mới viết được”. Đúng là để chạm đến tâm hồn trẻ em, trước hết tác giả phải hiểu tâm hồn trẻ em.
Với Phạm Đình Ân, mỗi bài thơ cũng là một bài học, vì thế ông thường dùng lối tối giản trong cấu tứ, để thơ thật trong, thật sáng. Ông nói: “Thơ thiếu nhi cần trong sáng như một bình pha lê, thả những con cá chữ, mỗi con một màu sống động”.