Kinh tế

Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành là một nhiệm vụ trọng tâm

Minh Thư 05/06/2024 17:52

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan trung ương, trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80% và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan trung ương.

tuan-anh-4_20240605111007.jpg
Để tạo sự chuyển biến đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Không ngừng gia tăng số lượng kiểm toán

Trong những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) lấy nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành là một nhiệm vụ trọng tâm, là căn cứ để Tổng Kiểm toán nhà nước đưa ý kiến tham gia với Quốc hội khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Với tầm quan trọng như vậy, số lượng và chất lượng các cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành ngày càng gia tăng.

Trong những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) lấy nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành là một nhiệm vụ trọng tâm, là căn cứ để Tổng Kiểm toán nhà nước đưa ý kiến tham gia với Quốc hội khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Với tầm quan trọng như vậy, số lượng và chất lượng các cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành ngày càng gia tăng.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, KTNN đã tăng dần kiểm toán báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để cung cấp thông tin cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp. Từ năm 1994 đến 2023, KTNN đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán trong đó từ 1994 đến 2010 thực hiện 1.169 cuộc kiểm toán (gồm 715 cuộc kiểm toán ngân sách); từ năm 2011 đến 2023 thực hiện 2.423 cuộc kiểm toán (gồm 988 cuộc kiểm toán ngân sách)…

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng (riêng từ năm 2011 đến nay là 650.172 tỷ đồng), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị kiểm toán. Như vậy, hoạt động kiểm toán của KTNN hàng năm không chỉ bao phủ ngày càng rộng khắp đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành… mà còn cung cấp nhiều thông tin, căn cứ và kiến nghị quan trọng và kịp thời để Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia... KTNN cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện cả về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả. Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN, từ đó đưa ra các kiến nghị để các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách. KTNN không chỉ góp phần quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu công chống tham ô, lãng phí, thất thoát, mà quan trọng hơn phải làm cho đồng tiền thuế của nhân dân được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Báo cáo kiểm toán trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho các đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trong xây dựng chính sách và trong hoạt động giám sát, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, trong suốt 30 năm thành lập và hoạt động, KTNN đã khẳng định vị thế là cơ quan giám sát độc lập, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hằng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước đều báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; các báo cáo của KTNN sau khi báo cáo Quốc hội được công bố công khai và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của KTNN. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo Trung ương và địa phương để sử dụng trong quyết định các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phê chuẩn quyết toán NSNN.

Cũng đánh giá cao vai trò của KTNN trong công tác kiểm toán tại các Bộ, ngành, nhất là trong quản lý chi đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, để đầu tư của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, vai trò của KTNN được thể hiện rõ từ khâu lập kế hoạch, triển khai kế hoạch và quyết toán NSNN (trong đó có vốn đầu tư) hằng năm.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, theo Luật KTNN năm 2015, nhiệm vụ của KTNN trong khâu dự toán được quy định với 02 cấp độ: Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương. Như vậy, ngay từ khâu này, đối với kế hoạch đầu tư công, KTNN đóng vai trò tư vấn, phản biện cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong quá trình lập dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển về các nội dung như: cân đối nguồn vốn NSNN cho đầu tư, xác định thứ tự, đối tượng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, theo quy định của Luật KTNN, Luật NSNN, hằng năm, KTNN tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương. Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã cung cấp thông tin khách quan, trung thực phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; là căn cứ để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi biểu quyết phê chuẩn quyết toán NSNN; cũng như kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế.

Không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh - KTNN chuyên ngành II cho biết, kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ, sứ mệnh của KTNN, kiểm toán báo cáo quyết toán được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và trong kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN qua từng thời kỳ.

Chia sẻ từ phía đơn vị chủ lực thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách (BCQTNS) Bộ, cơ quan trung ương, bà Lê Thị Hồng Hạnh nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, KTNN chuyên ngành II đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng trình Tổng KTNN ban hành Quyết định số 1450/QĐ-KTNN ngày 21/11/2022 về Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương. Kiểm toán BCQTNS Bộ, cơ quan trung ương được tiếp cận chuyên sâu lấy mục tiêu xác nhận báo cáo làm cơ bản, trên cơ sở Chuẩn mực KTNN số 200 (các nguyên tắc kiểm toán tài chính) làm điểm tựa để kiểm toán xác nhận theo khuôn khổ lập và trình bày báo cáo quyết toán.

Theo hướng dẫn này, cuộc kiểm toán BCQTNS nhằm mục tiêu xác định BCQTNS được kiểm toán có phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày BCQTNS hiện hành không, qua đó đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của BCQTNS Bộ, cơ quan trung ương. Bên cạnh đó các mục tiêu khác gắn liền với nội dung kiểm toán BCQTNS Bộ, cơ quan trung ương được KTNN xác định gồm: Đánh giá việc chấp hành pháp luật trong thẩm định, xét duyệt, tổng hợp lập BCQTNS của bộ, cơ quan trung ương; Đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác quyết toán NSNN theo các nội dung dự toán được giao; Đánh giá công tác quản lý tài chính ngân sách của Bộ, cơ quan trung ương.

Trên cơ sở Hướng dẫn kiểm toán được ban hành, năm 2022 là năm đầu tiên KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương thành 01 cuộc kiểm toán độc lập hoặc thực hiện cùng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Số lượng cuộc kiểm toán đạt 24/41 đầu mối (đạt tỷ lệ 58,5%). Nhìn chung, công tác kiểm toán báo cáo quyết toán đã được thực hiện đồng bộ, quy lát hơn, tiếp cận đúng hướng và đảm bảo mục tiêu xác nhận số liệu báo cáo theo khuôn khổ lập và trình bày báo cáo quyết toán. Từ kết quả kiểm toán thực tiễn, đặt ra yêu cầu thực hiện đánh giá các kết quả đạt được cũng như các khó khăn vướng mắc để hướng tới thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán trong toàn ngành theo đúng mục tiêu xác nhận báo cáo quyết toán, đảm bảo theo các tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đầy đủ của một báo cáo quyết toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (điều 65, 66, 67, 68, 69) để kiểm toán và xác nhận.

Thực hiện theo Hướng dẫn đã ban hành, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương năm 2022 đã đạt được kết quả sau:

Mục tiêu kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương hoàn thành đảm bảo về số lượng 24/41 đầu mối (đạt tỷ lệ 58,5%). Năm 2022, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương độc lập, không thực hiện cùng cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Theo đó, tập trung được nguồn lực nhân sự, thời gian để thực hiện kiểm toán BCQTNS, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thông qua việc thực hiện các thủ tục kiểm toán theo Hướng dẫn kiểm toán BCQT ngân sách bộ, cơ quan trung ương đã chỉ ra một số phát hiện nổi bật như: Số liệu Báo cáo quyết toán còn chênh lệch với số liệu theo dõi tại Kho bạc Nhà nước, qua kết quả kiểm toán chỉ ra chênh lệch và kiến nghị điều chỉnh, đảm bảo số liệu báo cáo trung thực, hợp lý; Chuyển số dư kinh phí hết nhiệm vụ chi chưa tuân thủ quy định, theo đó kiến nghị hủy số dư kinh phí hết nhiệm vụ chi, phản ánh đúng số liệu chuyển nguồn theo quy định; Công tác xét duyệt, thẩm định báo cáo còn chậm, nội dung xét duyệt chưa đầy đủ, thiếu thông tin, thiếu biểu mẫu, thiếu thủ tục xét duyệt, thẩm định theo quy định về quy trình xét duyệt thẩm định tại văn bản quy phạm pháp luật; Còn nhiều trường hợp mẫu biểu báo cáo quyết toán chưa tuân thủ quy định: thiếu chỉ tiêu, thiếu nội dung, không thuyết minh đầy đủ thông tin; công tác công khai dự toán NSNN, công khai báo cáo quyết toán còn chậm, có trường hợp không thực hiện công khai...

Chú trọng phân tích, phòng ngừa rủi ro kiểm toán

Tuy nhiên, bà Lê Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, kiểm toán báo cáo quyết toán có rủi ro tiềm tàng nằm trong bản chất của báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương như: Quy mô của một báo cáo quyết toán của một bộ là rất lớn, có trường hợp một báo cáo quyết toán của Bộ được tổng hợp từ hàng trăm báo cáo của các đơn vị cấp dưới, trong khi các đơn vị cấp dưới đa hình, đa dạng thuộc nhiều loại hình tổ chức khác nhau...; Báo cáo quyết toán ngân sách của bộ, cơ quan trung ương được kiểm tra, thẩm định bởi nhiều cơ quan khác nhau, do đó tiềm ẩn rủi ro về chênh lệch số liệu quyết toán giữa các cơ quan thực hiện kiểm tra trong đó có KTNN là rất lớn...

Qua thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, nội dung về dự toán trong báo cáo quyết toán phát sinh từ nhiều nguồn: Quốc hội phân giao cho các Bộ, cơ quan trung ương; dự toán kinh phí giao theo đặt hàng trực tiếp thông qua các quyết định của Bộ Tài chính... dẫn đến khác biệt trong kết quả thẩm định báo cáo quyết toán của các bên do khác biệt về nguồn này. Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương phản ánh tổng thể, đầy đủ các nguồn số liệu, nên khi so sánh số liệu tại Báo cáo kiểm toán với số liệu tại các báo cáo thẩm định của các bên (chỉ phản ánh đơn lẻ một nguồn) sẽ có sự chênh lệch. Do đó, Báo cáo kiểm toán cần làm rõ và cần xác định số liệu nào, báo cáo nào được sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Điều đáng lưu ý là thời gian kiểm toán báo cáo quyết toán bộ, cơ quan trung ương rất ngắn. Theo quy định các đơn vị được kiểm toán hoàn thành và nộp báo cáo quyết toán ngày 01/10 hằng năm, do đó, thời gian kể từ khi có báo cáo quyết toán chính thức để thực hiện kiểm toán là rất gấp, chưa kể các bộ, cơ quan trung ương thường xuyên hoàn thành báo cáo chậm hơn so với thời hạn yêu cầu theo quy định nêu trên.

Thêm nữa, khả năng tiếp cận các thông tin để rà soát đối chiếu không phải lúc thường xuyên thuận lợi. Các thông tin quan trọng trong báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương có thể đối chiếu được như số liệu về dự toán có thể đối chiếu với Bộ Tài chính, số liệu về quyết toán, chuyển nguồn có thể đối chiếu với KBNN, thông tin về thực hiện kiểm tra kiến nghị, kết luận có thể đối chiếu được với cơ quan Thanh tra, KTNN... tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin đối chiếu này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, dẫn đến khó khăn trong thực hiện kiểm toán và xác nhận số liệu. Theo đó, đôi khi Kiểm toán viên chưa thực hiện đầy đủ các bước thủ tục kiểm toán như Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết ngân sách bộ, cơ quan trung ương do các khó khăn trong triển khai và tiếp cận thông tin.

Từ phía KTNN chuyên ngành III, lãnh đạo đơn vị cũng chỉ rõ, thời điểm các Bộ, cơ quan trung ương tổng hợp BCQTNS gửi Bộ Tài chính và KTNN củamột số đơn vị chậm so với quy định (hạn đến 01/10 năm sau), gây khó khăn cho công tác kiểm toán xác nhận BCQTNS khi chưa có báo cáo chính thức, bên cạnh đó còn ảnh hưởng tiến độ và kế hoạch kiểm toán năm, đặc biệt có trường hợp phải hủy kế hoạch kiểm toán (chẳng hạn như KTNN đã phải hủy cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của Bộ Y tế).

Đề cập đến giải pháp, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III nêu rõ:

Thứ nhất,tăng cường công tácđào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ với việc nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán; ưu tiên bố trí đủ các KTV có trình độ chuyên môn, khả năng xác định nội dung, phương pháp kiểm toán tổng hợp, khả năng phân tích và lập BCKT.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hướng dẫn kiểm toán tại Quyết định số 1450/QĐ-KTNN cụ thể hơn phạm vi, nội dung kiểm tra đối chiếu đối với việc chọn mẫu một số BCQT kinh phí hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách, một số BCQT vốn đầu tư công nguồn NSNN theo năm ngân sách của chủ đầu tư để so sánh, đối chiếu, đánh giá công tác quyết toán, thẩm định, xét duyệt;

Thứ ba,tăng cường mối quan hệ quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán nhằm đôn đốc các đơn vị sớm tổng hợp BCQTNS từ các đơn vị trực thuộc làm căn cứ kiểm toán; kết hợp kiểm toán tài chính công, tài sản công và kiểm toán BCQTNS cùng thời điểm (nếu đơn vị hoàn thành được BCQTNS sớm).

Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn, hệ thống chuẩn mực kiểm toán

Để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng chia sẻ, đối với chuyên ngành II, chúng tôi chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ khâu lập Kế hoạch năm, chúng tôi đã phân định các đơn vị và chúng tôi đang hướng tới bắt đầu từ năm 2025 sẽ kiểm toán 100% các Bộ, ngành, cơ quan trung ương thuộc KTNN chuyên ngành II phụ trách. “Riêng trong năm 2024, chúng tôi sẽ kiểm toán 14/17 Bộ, ngành, cơ quan trung ương. Đây là con số rất lớn và áp lực rất nặng nề. Tuy nhiên, về phía chuyên ngành II, chúng tôi đã chuẩn bị tương đối chặt chẽ” - ông Lê Đình Thăng cho biết.

"Do đó, trước hết, chúng tôi tập huấn, hướng dẫn cho các công chức, kiểm toán viên và cứ mỗi đợt kiểm toán về, sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, chúng tôi lại tập huấn rút kinh nghiệm các đợt trước để tổng kết những vấn đề, rút kinh nghiệm cho kiểm toán đợt sau. Tiếp nữa, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổng hợp và các đơn vị có liên quan để đảm bảo việc cung cấp số liệu phải phù hợp" - ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đình Thăng, hiện nay, chúng tôi đang được Tổng Kiểm toán nhà nước giao và chúng tôi đang làm rất tích cực việc đánh giá lại những hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ban hành năm 2022. Qua thời gian 2 lần kiểm toán rút ra những vấn đề có thể khắc phục, sửa chữa. KTNN chuyên ngành II đang làm và cố gắng sẽ biên tập, sửa chữa được để làm sao từ khoảng 01/10/2024 sẽ bắt tay vào kiểm toán được Báo cáo quyết toán ngân sách của năm 2024 đối với niên độ ngân sách năm 2023. Đây là nhiệm vụ mà KTNN chuyên ngành II thường trực lưu ý và thường xuyên trao đổi với các công chức, kiểm toán viên.

Vấn đề khó ở đây là đang có một số thách thức liên quan đến những khác biệt trong chuẩn mực kiểm toán và thực tế thực hiện. Hiện nay, KTNN đang tích cực soạn thảo lại chuẩn mực theo hướng có những hướng dẫn riêng cho kiểm toán Báo cáo quyết toán Bộ, ngành, cơ quan trung ương; Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và Báo cáo tổng quyết toán phù hợp với đặc thù của từng loại báo cáo kiểm toán.

"Theo đúng tiến độ, khoảng đầu tháng 6/2024, KTNN sẽ có hệ thống chuẩn mực mới. Đó là điều thuận lợi để cho các kiểm toán viên tiến hành kiểm toán. Chúng tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở đó sẽ đưa đến những kết quả tốt đẹp, đảm bảo cho KTNN có thể xác nhận được 01 báo cáo quyết toán theo đúng khuôn khổ lập và trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương…" - ông Lê Đình Thăng cho biết.

Minh Thư