Tê liệt những công trình nước sạch
Do được đầu tư xây dựng từ hơn 10 năm trước, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã của huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) đã xuống cấp, hư hỏng và không thể sử dụng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho đời sống của bà con mà còn ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bản Tân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được đầu tư 6 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân từ năm 2015, nhưng đến nay chỉ còn 3 công trình hoạt động được, còn lại 3 công trình, hiệu quả cấp nước rất thấp.
Bà Lương Thị Hoài - người dân sinh sống tại bản Tân Sơn cho biết: Trước kia, do nguồn nước tự nhiên theo đường ống dẫn chảy về còn dồi dào, bà và người dân trong bản chưa bao giờ phải lo tới việc thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây, nguồn nước cạn kiệt dần, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, hanh khô.
“Những ngày nắng nóng kéo dài, chúng tôi phải đi đến sông suối xa hơn để lấy nước về sử dụng, vừa không đảm bảo vệ sinh lại vừa vất vả. Giờ chỉ mong được Nhà nước quan tâm, đầu tư hệ thống nước sạch cho bà con sử dụng ổn định” - bà Hoài bày tỏ.
Ông Lương Văn Tư - Trưởng bản Tân Sơn cho biết: Bản có 120 hộ, 597 nhân khẩu, đang phụ thuộc hoàn toàn vào các công trình cấp nước nêu trên. Từ khi các bể cấp nước không còn hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Để có nước sử dụng, bà con đang phải dùng nước sông, suối, nước mưa... không đảm bảo. Trong khi bản đang phấn đấu xây dựng bản nông thôn mới (NTM) nâng cao, tiêu chí nước sạch đã, đang trở thành “rào cản” lớn.
Theo ông Tư, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước sinh hoạt đang bị rơi vào tình trạng tê liệt là do nguồn nước cung cấp lâu nay có sự thay đổi lớn. Nước từ mó dẫn về bể tổng giảm rõ rệt, khiến việc điều tiết đi 6 bể cấp nước tại các cụm dân cư không đảm bảo.
Nằm dọc tuyến QL217, bản Chiềng Sày, xã Trung Hạ, hệ thống chứa nước sinh hoạt được xây dựng từ 10 năm trước, có chức năng cấp nước cho 130 hộ dân trong bản. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành sử dụng, đến nay công trình đã xuống cấp, không phát huy hiệu quả. Để khắc phục và có nước sử dụng, người dân đang tự lắp đường ống dẫn nước riêng kéo về gia đình.
Được biết, hiện trên địa bàn toàn xã Trung Hạ có 7 công trình cấp nước sinh hoạt thì có 6 công trình đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng; 1 công trình mới được đầu tư, sửa chữa. Các công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, cũng như tiêu chí xây dựng NTM của bản, xã.
Ông Lư Hồng Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hạ cho biết: Trước mắt, các cấp, ngành chức năng của huyện, tỉnh cần rà soát, đánh giá tổng thể những công trình cấp nước sinh hoạt hiện có không chỉ riêng tại Trung Hạ mà trên tổng thể địa bàn huyện. Xem xét công trình nào cần sửa chữa, nâng cấp; công trình nào cần đầu tư xây mới để có lộ trình đầu tư phù hợp.
“Với một xã vùng cao như Trung Hạ, việc đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, cũng như huy động xã hội hóa để sửa chữa là rất khó, vì vậy rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước” - ông Chiến nói.
Đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn các huyện miền núi. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM của tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn từ các nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. UBND các huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân… rà soát các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn đã được đầu tư nhưng bị hư hỏng, xuống cấp, không còn hoạt động để đề xuất ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng nhằm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.