Kinh tế

Thương mại điện tử: Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt

THÁI NHUNG 06/06/2024 08:56

Việt Nam đang trở thành thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao. Tuy nhiên cũng vì thế mà sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng nóng.

anh-bai-tren(1).jpg
Xu hướng mua sắm qua các sàn TMĐT ngày càng phát triển, các cửa hàng sẽ dần trở thành nơi lưu trữ hàng hóa. Ảnh: T.Nhung.

Cạnh tranh cao

Chỉ tính riêng năm 2023, quy mô TMĐT tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022 và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2024 tiếp tục được dự báo là năm tăng trưởng mạnh của thị trường, nhưng điều đó không đồng nghĩa là cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả người bán hàng trên các sàn TMĐT. Có nhiều nhà cung cấp đã biến mất khỏi sàn kinh doanh do nhiều nguyên nhân như kinh tế chưa ổn định, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chị Hương Giang, chuyên bán hàng Việt Nam xuất khẩu trên sàn TMĐT cho biết: “Sản phẩm đồ bơi hàng Việt Nam xuất dư của shop tôi bán với giá hơn 250.000 đồng/bộ, trong khi nhiều gian hàng trên các sàn TMĐT chỉ bán với giá 100.000 -120.000 đồng/bộ, 2 bộ còn miễn phí vận chuyển. Các shop khác trên sàn TMĐT bán với giá bán thấp hơn chủ yếu do đặt các cơ sở gia công sử dụng vải tồn không còn phù hợp để sản xuất, hoặc họ lấy hàng hóa trôi nổi, hàng từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng… Trong khi đó, hầu hết khách hàng thích mua hàng hóa giá thấp”.

“Hiện nay, sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ trên sàn TMĐT rất lớn, nhất là các kho hàng xuyên biên giới. Hàng đặt bên Trung Quốc, hoặc Hàn Quốc về trên các sàn TMĐT mẫu mã giống hệt, vận chuyển xuyên biên giới cũng chỉ mất 3-4 ngày là đến tay khách hàng, thậm chí chính sách đổi trả của các kho hàng bên Trung Quốc cũng rất nhanh” - anh Hoàng, chủ hệ thống phân phối các loại đồ gia dụng trên kênh TMĐT chia sẻ.

Thị trường Việt Nam hiện có 4 sàn TMĐT lớn, đều do người nước ngoài quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp, gồm Tiki, Lazada, Shopee, Tiktok Shop. Các sàn này có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Các sàn TMĐT cũng nhận thấy người dùng trẻ am hiểu công nghệ, thích mua sắm, thích rẻ, thích thay đổi mẫu mã thường xuyên…điều này sẽ kích thích thị trường TMĐT Việt Nam phát triển và có tính cạnh tranh cao.

Thay đổi để thu hút khách hàng

Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới nhằm tăng tốc đưa hàng hóa sang thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, doanh nghiệp (DN) Việt không dễ tăng doanh số và thị phần bán hàng trên sàn TMĐT. Nhiều dự án tổng kho TMĐT của Trung Quốc đang mọc lên sát biên giới Việt - Trung như Đông Hưng, Hà Khẩu... Khi các dự án này hoàn thành, Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực logistics và vận tải hàng hóa. Điều đó có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc có thêm ưu thế để thâm nhập sâu hơn vào các sàn TMĐT thị trường Việt Nam. Do đó, để thành công trong kinh doanh trên TMĐT, DN Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới nhất, cũng như tạo ra những giá trị độc đáo, khác biệt cho khách hàng.

Theo ông Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc Công ty Ecotop, TMĐT mở ra cơ hội rất lớn cho các DN trong nước. Để cạnh tranh trên sân nhà, tiểu thương Việt Nam với sự hiểu biết về văn hóa, lối sống địa phương, cần tận dụng lực lượng KOL/KOC đông đảo để định hướng người dùng. Người bán cũng có thể khai thác các mặt hàng thế mạnh dễ sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị quản lý của nhà nước và các ngành hàng phối hợp với nhau để xây dựng thương hiệu cho từng loại hình sản phẩm ở Việt Nam, cùng nhau xây dựng nhóm thương hiệu chung cho cấp quốc gia phù hợp với môi trường TMĐT. Như vậy mới có thể giúp sản phẩm Việt bảo đảm về mặt thương hiệu và giữ được lợi thế cạnh tranh và giá cả. Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng như kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động trong sản xuất và lưu thông, phân phối; xây dựng thương hiệu DN để sản phẩm của Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên toàn cầu.

Còn ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric cho rằng, nếu chúng ta không thay đổi, các nhà bán hàng nhỏ lẻ thiếu chuyên nghiệp trong nước sẽ rất dễ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

“Do đó, hướng đi đúng đắn cho các nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu năng lực nội tại, tập trung vào các thế mạnh của sản phẩm để thích ứng với làn sóng này, cũng như có thể tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, nhà bán hàng có thể thúc đẩy các sản phẩm đặc biệt của địa phương mà không nơi nào có, duy trì sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng cách vì chúng ta có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ, thấu hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước” - Giám đốc kinh doanh Metric nói.

THÁI NHUNG