Ai viết ca khúc cho thiếu nhi?
Chuyện kể rằng, đã lâu, trong một lần ngồi xem con em cán bộ Đài tiếng nói Việt Nam liên hoan văn nghệ, vị Tổng Giám đốc Đài lúc bấy giờ khi nghe các cháu hát bài “Cô và mẹ” thì thích quá liền vỗ mạnh vào người ngồi cạnh và kêu lên: “Hay, hay, hay lắm! Thằng cha nào viết bài này mà hay thế”.
“Thằng cha” đó chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên - người có nhiều ca khúc đi cùng năm tháng.
Nhìn lại đội ngũ những người có ca khúc viết cho thiếu nhi, chúng ta không khỏi tự hào. Họ là những nhạc sĩ nổi tiếng. Trong đó phải kể đến nhạc sĩ Phong Nhã với “Nhanh bước nhanh nhi đồng” và “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Tiến lên đoàn viên”, “Cô và mẹ”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với “Màu áo chú bộ đội”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “Em là bông hồng nhỏ”. Nhạc sĩ Trần Đình Thảo với “Đi học”, “Em đi giữa biển vàng”. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích với “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Nhạc sĩ Trần Viết Bính với “Hạt gạo làng ta”... Đó đều là những ca khúc được nhiều thế hệ măng non hát một cách say sưa.
Nhưng cũng đã thật lâu, ít thấy có thêm những ca khúc mới viết cho thiếu nhi hay. Vì sao vậy? Thì đây, câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người được nhiều người trẻ hôm nay biết đến có thể hé lộ điều gì đó đáng suy nghĩ, khi anh tâm sự từng tủi thân vì danh tiếng lu mờ khi rẽ hướng sang viết nhạc cho thiếu nhi. Dù rằng, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam (hơn 300 bài).
“Trước đây chương trình truyền hình ưu tiên nhạc thiếu nhi, nhất là những khung giờ vàng, nhưng giờ không còn nữa; thay vào là những gameshow. Không có bảng xếp hạng âm nhạc nào dành cho nhạc thiếu nhi. Điều này làm cho nhạc sĩ trẻ đang trên đường tìm kiếm tài chính, danh tiếng, thành công chưa để ý đến việc viết nhạc thiếu nhi” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Trên thực tế thì ca khúc cho thiếu nhi chưa khi nào được nhìn nhận như là sản phẩm thị trường thật sự. Số nhạc sĩ viết ca khúc cho trẻ em ít dần và cũng ít tác phẩm chất lượng, cho dù nhiều địa phương vẫn duy trì các cuộc thi, trại sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi. Cuộc thi, trại sáng tác nào cũng có tổng kết, trao giải, dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục được giải, có khi có cả chương trình tọa đàm, trao đổi chuyên môn kèm theo... Nhưng sau đó các ca khúc đạt giải "đi đâu, về đâu” thì vẫn còn đó như một thách đố.
Không lẽ thiếu nhi hôm nay vẫn chỉ “đóng khung” trong việc hát những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác vài chục năm trước? Các em cần những ca khúc mới làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các em.
Nhưng muốn thế, thì trước hết phải có cách nào đó để nhạc sĩ phải “nặng lòng” hơn với trẻ thơ. Cùng đó, vị trí của ca khúc viết cho thiếu nhi phải được nâng lên trong cách đánh giá của các cơ quan chức năng. Trong đó có Hội Nhạc sĩ Việt Nam.