Trương Mỹ Lan lấy 415.000 tỷ đồng tiền tham ô để “bơm” cho dự án Mũi Đèn Đỏ
Tại kết luận mới ban hành, C03 Bộ Công an cáo buộc Trương Mỹ Lan có hành vi lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, án sơ thẩm tuyên hôm 11/4, TAND TP HCM xác định bà Lan tham ô hơn 415.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, tất cả số tiền có được từ lừa đảo, tham ô nói trên, được nhóm bà Lan đã "rửa" trước khi sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Việc rửa tiền được tiến hành bằng cách rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền sau đó chuyển lại vào các tài khoản của những công ty "ma". Trong đó, việc rút tiền mặt được thực hiện chủ yếu tại SCB chi nhánh Sài Gòn.
Quy trình này bao gồm, nhóm lãnh đạo SCB chuẩn bị danh sách cá nhân, pháp nhân ký chứng từ rút tiền rồi yêu cầu họ đến ký hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Những người này không được nhận tiền mà nhân viên của SCB sẽ mang tiền xuống tầng hầm, giao cho Bùi Văn Dũng, lái xe riêng của Trương Mỹ Lan.
Tiền sau đó được Dũng chở về tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao trực tiếp cho Trương Mỹ Lan. Khi chưa cần dùng ngay, bà Lan chỉ đạo cấp dưới chuyển vào các tài khoản chỉ định, luân chuyển lòng vòng để khi cần có thể rút ra.
Điều tra xác định, các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc đã chuyển lòng vòng trong SCB hơn 2,6 triệu tỷ đồng; chuyển từ SCB ra ngoài hơn 344.668 tỷ đồng và rút tiền mặt hơn 73.524 tỷ đồng. Qua đây, có hơn 445.000 tỷ đồng được "rửa sạch", gồm hơn 30.000 tỷ có được từ lừa đảo và 415.000 tỷ đồng từ nguồn tham ô tài sản.
Trương Mỹ Lan khai, số tiền khổng lồ này được dùng để trả gốc, lãi trái phiếu; trả nợ hoặc chi cho hoạt động của SCB; chi cho các dự án đang triển khai gồm dự án Mũi Đèn Đỏ và dự án A6 huyện Bình Chánh; thanh toán các khoản chi của Trương Mỹ Lan và chồng là Chu Lập Cơ…
Về hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới, cảnh sát xác định Trương Mỹ Lan dùng 21 pháp nhân để chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD và chuyển theo chiều ngược lại là hơn 3 tỷ USD. Tổng số chuyển trái phép là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.
Bà Lan khai, việc nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam là tiền vay còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ. Để chuyển tiền qua biên giới, người phụ nữ chỉ đạo đồng phạm lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, góp vốn, tư vấn, vay nợ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và công ty ở nước ngoài.
Các thủ tục chuyển tiền qua biên giới liên quan bà Lan không có đủ điều kiện, như thiếu hợp pháp hóa lãnh sự; thiếu văn bản xác nhận của doanh nghiệp sở hữu cổ phần; chứng từ thuế…
Liên quan vụ án, phía điều tra xác định Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước "không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát". Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng không bị xem xét trách nhiệm trong việc Trương Mỹ Lan và đồng phạm chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.