Kinh tế

Công điện về đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách nhà nước 2024

Thái Nhung 07/06/2024 10:28

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa ra Công điện số 03/CĐ-BKHĐT về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.

Công điện cho biết, tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 148.284,757 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

img_0236.jpg
Ảnh minh họa: Lê Khánh.

Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước.

Một số cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ hết nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước của các dự án, Bộ KHĐT đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Công điện nêu rõ: Cần quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Các thành viên Tổ công tác đặc biệt theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án và quyết liệt, chủ động, kịp thời tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan thuộc lĩnh vực phân công theo dõi.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; Phân công Lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu.

Tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung cứng vật liệu xây dựng: Kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; Chủ động phối hợp với các địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu, đất, cát… nghiên cứu, dành một phần trữ lượng để điều phối, cung ứng cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn, đang bị thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án; Chỉ đạo chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án để kịp thời bổ sung, điều chỉnh bảo đảm đủ nguồn và công suất khai thác vật liệu san lấp cho nhu cầu của dự án. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng…

Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Thái Nhung