Văn hóa

Nhân lực văn hóa cơ sở: Ðừng để “một người, mười việc”

Minh Quân 07/06/2024 10:30

Nếu như ở các thành phố lớn, các đơn vị của trung ương có những khúc mắc trong câu chuyện biên chế, chế độ đãi ngộ, thì ở các địa phương, nguồn lực văn hóa đang rơi vào tình trạng “một người, mười việc”.

anhbaitren(2).jpg
Nguồn nhân lực văn hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ yếu là kiêm nhiệm

Hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ, khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) năm 2023 cho biết, số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt khoảng 60%; cán bộ có trình độ trung cấp chiếm khoảng 32%. Ở cấp huyện cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng đạt khoảng 49%, trình độ trung cấp đạt khoảng 37%, số cán bộ có kinh nghiệm công tác trong ngành trên 5 năm chiếm khoảng 72%...

Có thể nói, nguồn lực của ngành văn hóa đã dần được cải thiện về cả lượng và chất. Nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể vẫn còn đó những mảng màu sáng tối với nhiều bất cập. Nếu như ở các thành phố lớn, các đơn vị của trung ương có những khúc mắc trong câu chuyện biên chế, chế độ đãi ngộ, thì ở các địa phương, nguồn lực văn hóa đang rơi vào tình trạng “một người, mười việc”.

Nguyên nhân là do kinh phí hoạt động còn hạn chế. Căn cứ thực tế ở một số địa phương cho thấy kinh phí cho hoạt động văn hóa của cấp xã chỉ từ 6 - 7 triệu đồng/năm. Để duy trì hoạt động, người dân tự đóng góp kinh phí nhưng cũng chỉ đủ mua trà nước. Các đơn vị văn hóa cấp cơ sở luôn trong tình trạng thụ động khi không có kinh phí mua sắm trang thiết bị và tổ chức hoạt động…

Theo TS Hoàng Thị Bình - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc quản lý thiết chế văn hóa xã hiện nay đều bố trí cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố do trưởng thôn, bản, tổ dân phố quản lý. Trong khi, số cán bộ tại thôn, bản, tổ dân phố hiện chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại các nhà văn hóa - khu thể thao thôn, làng, khu phố ở nhiều nơi hầu như không có cán bộ nghiệp vụ hướng dẫn, tổ chức các hoạt động có chuyên môn. Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã, phường, thị trấn còn thiếu chủ động. Tại các nhà văn hóa đều chưa hình thành Ban chủ nhiệm, mặt khác chưa có nghiệp vụ để quản lý điều hành, chưa biết phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức sinh hoạt Hội, Đoàn mang tính cộng đồng, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

“Việc quản lý tổ chức các hoạt động còn nhiều bất cập, nặng về cơ chế xin cho, thiếu chủ động, sáng tạo, chưa phát huy được hiệu quả cơ sở vật chất và tính năng sử dụng” - bà Bình bày tỏ.

Làm giàu từ văn hóa?

Dù không coi văn hóa là công cụ kiếm tiền, song chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu từ văn hóa. Bởi bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làng nghề truyền thống... Họ là những “báu vật sống” trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc...

Nhằm tạo đòn bẩy phát huy nguồn nhân lực văn hóa, theo TS Nguyễn Thanh Xuân (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Việt Nam đang là quốc gia trung bình về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển. Chỉ khi chúng ta coi công nghiệp văn hóa là một ngành mũi nhọn thì lúc đó nguồn nhân lực trong các thiết chế văn hóa mới được đầu tư, quan tâm và tôn vinh đúng mức.

Bà Xuân cũng cho rằng, hiện nay ngoài những nghệ nhân đã được biết đến, được vinh danh, còn rất nhiều “hạt ngọc quý” ẩn trong dân gian. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý văn hóa địa phương một cách sâu sát, có thể “đãi cát tìm vàng”, để các nghệ nhân dân gian tiếp tục cống hiến cho sự phát triển văn hóa đất nước.

Cùng với đó, cần đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách như già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và những người có những đóng góp, cống hiến lớn trong việc gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa.

Tại các địa phương, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa - nghệ thuật phải phụ trách, quản lý khá nhiều mảng, có nhiều hoạt động, trong khi số lượng cán bộ quá ít ỏi. Ở cấp sở (tỉnh, thành phố), đội ngũ cán bộ văn hóa được biên chế ở các phòng chuyên môn với mức định biên khoảng 5-7 người/phòng. Ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biên từ 5-7 người, làm việc ở phòng Văn hóa - Thông tin.

Minh Quân