Giáo dục

Đề Toán lớp 10 TPHCM: Gia tăng về độ khó so với năm trước

Minh Quang 07/06/2024 13:55

Bước ra khỏi phòng thi sáng nay, nhiều thí sinh tại TPHCM than đề Toán khó, hơi rối. Tuy nhiên, một số giáo viên lại cho rằng, đề có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực; cách ra đề như vậy yêu cầu học sinh phải nghiền ngẫm, tìm hiểu bài toán sâu sắc.

Thầy Nguyễn Mạnh Cường – Giáo viên Toán Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM năm học 2024-2025 giữ được tính ổn định về cấu trúc so với năm học 2023-2024. Bên cạnh đó, đề thi vẫn có sự phân hóa (tăng độ khó ở một số câu hỏi) để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh. Trong bối cảnh là kỳ thi tuyển sinh cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và chỉ tiêu lớp 10 vào 113 trường THPT công lập giảm mạnh (giảm 6274 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024) thì đề thi cũng gây khó khăn nhất định cho học sinh.

anh-1.jpg
Thí sinh thi môn Toán sáng 7/6 tại TPHCM (ảnh: Đoàn Xá)

Đề thi gồm 8 bài toán lớn, có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực. Mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ với cấu trúc điểm ổn định và được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.

Theo thày Nguyễn Mạnh Cường, so với đề thi năm học 2023-2024, đề năm 2024-2025 có cấu trúc tương đồng và có sự gia tăng về độ khó. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS và không chứa kiến thức tinh giản. Hầu hết các câu hỏi trong đề thi đều là các dạng bài quen thuộc, tương tự các đề thi của những năm gần đây. Kể từ bài số 5 trở đi, mặc dù vẫn là các dạng bài quen thuộc nhưng đã tăng về độ khó, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt, và câu hỏi cũng nhằm kiểm tra khả năng lập luận và tư duy logic của thí sinh. Đây là xu hướng tất yếu bám sát mục tiêu đánh giá năng lực.

Thày Nguyễn Mạnh Cường nhận định cụ thể về từng câu hỏi trong đề như sau:

Bài 1,2: Có dạng thức quen thuộc, ở mức cơ bản và có độ khó tương đồng với đề thi năm 2023-2024, thí sinh có thể hoàn thành tốt hai câu hỏi này.

Bài 3: Là dạng bài cho biểu thức biểu diễn mối quan hệ giữa các đại lượng, có yếu tố thực tiễn (mối liên hệ giữa chiều rộng và chiều dài của hình chữ nhật). Thí sinh cần đọc hiểu các dữ kiện trong đề bài để tìm được hướng làm bài. Đề bài không cho sẵn công thức tính, đòi hỏi thí sinh cần hiểu các dữ kiện và xây dựng công thức để xử lý. Đây là một xu hướng đề ra tiệm cận với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Bài 4: Là câu hỏi liên quan đến bài toán tối ưu gắn liền với thực tế, thí sinh chỉ cần đọc kĩ và phân tích các dữ kiện của đề bài là có thể hoàn thành.

anh-2(1).jpg
Thí sinh dự thi môn Toán sáng 7/6 tại TPHCM (ảnh: Đoàn Xá)

Bài 5: Là bài toán về hình học không gian. Mặc dù đề bài đã cho sẵn công thức nhưng để tìm ra kết quả của ý b đòi hỏi học sinh cần đọc kĩ các dữ kiện, hình dung rõ ràng về mặt hình ảnh (mặt cầu nội tiếp hình trụ hoặc hình lập phương) và xác định hướng làm bài để tìm ra kết quả của bài toán.

Bài 6: Đây là dạng bài thực tế có liên quan đến hàm số bậc nhất (tương tự bài 5 của đề thi năm 2023) nhưng nhỉnh hơn về độ khó. Các dữ kiện đề bài đưa ra rất cụ thể và tường minh. Đây là dạng bài yêu cầu khả năng đọc hiểu nên thí sinh cần chọn lọc các thông số mấu chốt của bài toán để xác định được hướng giải và tìm ra kết quả của bài toán.

Bài 7: Đây là bài toán nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và tư duy logic của thí sinh. Tuy đây là một dạng bài không mới (giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình) nhưng để giải quyết được bài toán này, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy rõ ràng, mạch lạc và khả năng phân tích, lập luận tốt.

Bài 8: Đây là dạng bài quen thuộc liên quan đến tứ giác nội tiếp, các bài toán chứng minh vuông góc, góc bằng nhau và chứng minh công thức và ý c vẫn là ý dung để phân loại thí sinh, là ý lấy điểm 10.

Như vậy, nhìn chung, cấu trúc đề thi năm 2024-2025 hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của người học, có tính thời sự và tiệm cận với yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Đề bài dài nhưng khá hợp lý. Đề thi đảm bảo về cấu trúc và độ khó của câu hỏi, phù hợp với thực tế học tập của thí sinh và có độ phân hóa tốt.

anh-3.jpg
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Toán sáng 7/6 tại TPHCM (ảnh: Đoàn Xá)

Do đề thi Toán vào lớp 10 năm 2024 của TPHCM có sự phân hóa cao, nên nhiều thí sinh đang lo lắng sẽ không có điểm cao. Các em cho rằng, so với đề năm ngoái, đề năm nay khá khó để được 8 - 9 điểm.

Theo Sở GDĐT TPHCM, trong đề thi lớp 10 năm học 2024-2025, môn Toán có lần lượt các bài sau: Bài 1 yêu cầu thí sinh vẽ đồ thị - tìm giao điểm; Bài 2 về định lý Vi - et, nghiệm phương trình; Từ bài 2 đến bài 7 (5 bài tiếp theo) là toán thực tế; Bài số 8 là toán hình học gồm 3 câu, câu cuối cùng của bài 8 là câu khó, dùng để chọn lọc học sinh giỏi. Ngay sau khi kỳ thi lớp 10 kết thúc, Sở GDĐT TPHCM sẽ thành lập hội đồng chấm thi và huy động hàng ngàn giáo viên làm giám khảo. Dự kiến ngày 20/6, Sở GDĐT sẽ công bố điểm thi lớp 10; ngày 24/6 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, lớp 10 tích hợp; và ngày 10/7 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 thường.

Năm nay, có gần 100.000 học sinh ở TPHCM tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Sau kỳ thi này, sẽcó hơn 77.000 thí sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu của Sở GDĐT.
Cách tính điểm thi vào lớp 10 ở TPHCM, điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được tính theo thang điểm từ điểm 0 (không) đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Hệ số điểm bài thi tất cả các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đều có hệ số 1. Điểm cộng thêm dành cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên tối đa không quá 3 điểm.

Minh Quang