Kinh tế

Cần thêm động lực mới để tăng trưởng

THÁI NHUNG 08/06/2024 08:32

Số liệu của Tổng cục Thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy nông nghiệp ổn định, công nghiệp phục hồi tốt, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về sức ép lạm phát, tỷ giá, thị trường bất động sản...

anh-bai-tren(2).jpg
Kinh tế số - một trong những động lực tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới để về đích năm 2024, trong các nhiệm vụ cần phải làm để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế mà Chính phủ báo cáo Quốc hội, có yêu cầu trọng tâm là “làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới”. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào sáng ngày 1/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong huy động, sử dụng vốn ODA. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; ổn định thị trường, giá cả…

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong 3 lĩnh vực: Thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI… Bên cạnh đó, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia... Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó, về công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; Về nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; Về dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics…

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thời gian qua và cả hiện tại là xuất nhập khẩu và đầu tư công. Những động lực này dù còn dư địa, nhưng dần sẽ không thể đóng góp quá nhiều cho tăng trưởng nhanh, bởi vậy, nền kinh tế không thể chỉ dựa vào một vài động lực tăng trưởng. Quốc hội, Chính phủ cần đi sâu rà soát động lực cũ, nhận diện cơ hội khai thác động lực mới. Động lực từ đầu tư công là quan trọng, nhưng chủ yếu tập trung cho hạ tầng và chỉ là vốn mồi, còn đầu tư tư nhân mới quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng. Đầu tư tư nhân đã khởi sắc hơn năm ngoái, nhưng đang có rất nhiều vấn đề về động lực, về sức khỏe, niềm tin. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ già hóa dân số đang tác động rất lớn tới thị trường nội địa chưa được làm rõ, trong khi động lực từ tiêu dùng nội địa giảm mạnh. Đặc biệt, các nền kinh tế khác đang đi rất nhanh tới kinh tế số, kinh tế xanh và nhiều chuyển dịch khác. Thời điểm này, cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo... Đó chính là động lực mới cho tăng trưởng.

“Thế giới đang đi vào sự hội tụ, khi các nền kinh tế đi trước đang chậm dần do sự nặng nề của thủ tục, quy chuẩn truyền thống, các nền kinh tế đi sau đang đi nhanh, thậm chí vượt lên trên nhờ công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Sự hội tụ này là cơ hội của chúng ta, của các nền kinh tế đang phát triển, thậm chí là thời điểm vàng. Lúc này, rất cần giải phóng các nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, để họ tham gia, khai thác các cơ hội mới. Lúc này, cần thể chế đi trước, mở đường, thể chế ổn định, minh bạch, mang tính hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo, bệ đỡ cho những người dũng cảm, dám làm khác, làm mới” - ông Tuấn nói.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hiệu quả, thực chất, chúng ta cũng cần nhìn lại những động lực tăng trưởng cũ, để từ đó nhận diện những thách thức, rủi ro, từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu,... đồng thời, cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới từ đổi mới, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh.

THÁI NHUNG