Quốc hội

Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Việt Thắng 08/06/2024 17:45

Ngày 8/6, với 95,69% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chỉ đạo tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10; trực tiếp tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

z5519191860252_37f77272f870533814a77e2b0a6472da.jpg
Kết quả biểu quyết Nghị quyết (Ảnh: Quang Vinh)

Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế chủ động lồng ghép nội dung giám sát đối với việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát cụ thể. Nắm chắc tình hình, thu thập, tổng hợp thông tin, trên cơ sở triển khai các hoạt động giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công để lựa chọn nội dung giải trình trong chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới phương thức giám sát; nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, theo dõi, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; nghiên cứu cách thức giao Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương. Chủ động phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, với Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân nhằm tránh chồng chéo. Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát theo quy định tại Điều 33 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội cần chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào Chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.

Trước đó, tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chuyên đề 1: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” nhận được 61,40% đại biểu Quốc hội tán thành. Chuyên đề 2: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” nhận được 38,60% đại biểu Quốc hội tán thành.

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Việt Thắng