Nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng tại cơ sở
Để đẩy mạnh các hoạt động giám sát, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để phát huy dân chủ, động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình ngay tại cơ sở.
Minh bạch, công tâm, khách quan
Tuyến đường giao thông liên thôn Lâm Quang, xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được xây dựng từ hơn một tháng nay. Các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phân công nhau giám sát hàng ngày. Nhờ vậy, tuyến đường đảm bảo về quy cách lề đường, cống thoát nước.
Ông Phạm Xuân Phương - Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Giao Phong cho biết, chúng tôi bám vào các thiết kế, dự toán và phối kết hợp với nhà thầu đảm bảo công trình xây dựng đúng theo thiết kế, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật của công trình. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi vừa đẩy mạnh các hoạt động giám sát, vừa tích cực vận động bà con hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm nên hiệu quả tăng lên rõ rệt.
Mặc dù cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Hồ, thôn Lâm Quang vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ trông vào thu nhập ít ỏi từ mấy sào ruộng và mảnh vườn của gia đình nhưng ông vẫn hiến hơn 500m2 đất vườn để thôn mở rộng tuyến đường chính từ 2m thành đường 7m.
Ông Hồ cho biết, khi thôn mở rộng các tuyến đường giao thông, bà con trong xóm đều đồng tâm hiệp lực chung tay thực hiện. Vì vậy, tôi đã bàn bạc với vợ con hiến đất để địa phương mở rộng đường làng mà không tính toán thiệt hơn.
Thực tiễn cho thấy muốn khơi dậy được sức mạnh của nhân dân thì việc triển khai phải minh bạch, công tâm và khách quan.
Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Giao Phong, huyện Giao Thủy cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, công tác tuyên truyền luôn được ưu tiên hàng đầu để dân hiểu, dân tin, dân bàn thì bà con nhân dân mới làm cùng chúng ta. Kết quả này cho thấy sự đồng thuận của nhân dân chính là sức mạnh, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Vì vậy, khi người dân đã tin, đã hiểu, đã đồng thuận thì việc khó sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Còn đối với các công trình đang xây dựng tại địa phương, với tinh thần kiên quyết bám sát sự việc đến cùng, các thành viên Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kịp thời phát hiện và xử lý, đảm bảo chất lượng công trình.
Hiện nay toàn tỉnh Nam Định hiện có 226 Ban Thanh tra nhân dân với 2.257 thành viên; 218 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.911 thành viên. Những năm qua, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành liên quan hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đều kiện toàn, hướng dẫn hoạt động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên.
Kịp thời phát hiện sai phạm
Cũng giống như nhiều địa phương khác của tỉnh Nam Định, công trình hiệu bộ của Trường Tiểu học Minh Đức của xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sắp được hoàn thành.
Trong quá trình triển khai xây dựng công trình này, ông Phạm Văn Hùng - Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Minh Đức luôn theo sát và ghi chép cụ thể từng hạng mục. Nhờ đó, hơn 70m khối cát san lấp đã được chủ đầu tư trà trộn với cát xây dựng để đưa vào thi công được kịp thời phát hiện.
Ông Hùng cho biết, họ mua rất nhiều cát san lấp để 2 phía xung quanh rồi họ mua thêm cát xây trộn lẫn vào. Khi chúng tôi phát hiện đã yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, toàn bộ số cát không đảm bảo chất lượng đã được vận chuyển ra bên ngoài xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Đức cho biết, với vai trò trách nhiệm của mình, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kịp thời phát hiện trong quá trình thi công chưa đảm bảo so với dự toán thiết kế nên đã kiến nghị với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn.
Với tinh thần kiên quyết, bám sát sự việc đến cùng, nhiều lỗi trong quá trình thi công đã được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện, kiến nghị, xử lý. Những nỗ lực này đã giúp cho các công trình được xây dựng đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tứ Kỳ cho biết, trong năm 2023, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong huyện đã giám sát và phát hiện được 152 vụ việc; kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết được 140 vụ việc; thu hồi 500m2 đất lấn chiếm đường giao thông sử dụng sai mục đích. Theo đó, tất cả các xã trong huyện đều thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, có sự phân công, phân cấp rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò làm chủ của người dân; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ; củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần, giữ vững an ninh, trật tự tại các địa phương.
“Để nâng cao hiệu quả giám sát, nội dung giám sát phải trọng tâm, trọng điểm vì nó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong huyện cũng cần tích cực nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Nếu làm tốt được việc này sẽ đảm bảo các kiến nghị được thực hiện có hiệu quả và kịp thời”, ông Luận chia sẻ.
Để nâng cao được hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, theo ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, người dân đang bức xúc, vì vậy Mặt trận cần có tiếng nói để cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề đó.
Tuy nhiên, để làm tốt, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giám sát của MTTQ. Những nội dung đó được đánh giá, được khẳng định để những ý kiến, nguyện vọng của người dân được giải quyết kịp thời. Từ đó tạo ra niềm tin để nhân dân đồng tình với các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước.