Sức khỏe

Thêm trường hợp nguy kịch vì bệnh dại: Cha mẹ cần lưu ý những gì?

Hoàng Chiến 09/06/2024 16:21

TS.BS Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mới đây, khoa đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nguy kịch vì bị chó cắn

Khai thác bệnh sử, gia đình cho hay: Trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-11.37.03.png
Một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngày 31/5, tại khoa Điều trị tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trẻ có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Trẻ được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại.

Để điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ đã sự dụng thuốc vận mạch, điều trị theo đích tăng áp lực nội sọ và hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Đào Hữu Nam cho biết thêm, hàng năm, khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình,…

Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và thuyết thanh kháng dại kịp thời.

Cách xử trí vết thương và biện pháp phòng bệnh cho trẻ

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến từ vong.

Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Thông thường, thời gian ủ bệnh dại ở người từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ và vị trí của vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Các triệu chứng của bệnh dại thể cuồng: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu, chán ăn, mất ngủ, bồn chồn. Đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió.

Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhi tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bị giãn, co thắt hầu họng,... và sẽ tử vong nhanh chóng.

Triệu chứng bệnh dại thể liệt: Thường gặp ở bệnh nhân bị chó dại cắn đã tiêm vaccine nhưng tiêm phòng muộn. Người bệnh có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu ở vị trí vết thương, dẫn đến hôn mê và tử vong.

Các bước cha mẹ cần làm khi trẻ bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước:

Bước 1: Rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút.

Bước 2: Sát khuẩn bằng cồn iod hoặc cồn 70 độ để giảm thiểu virus tại nơi xâm nhập.

Bước 3: Khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xử trí vết thương và tiêm phòng vaccine dại kịp thời.

Bác sĩ cũng lưu ý, không nặn hoặc bóp cho vết thương chảy máu. Không làm tổn thương rộng hơn hoặc làm dập nát thêm vết thương.

Không băng kín vết thương. Tuyệt đối không tự chữa trị cho trẻ hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh dại cho trẻ, cần tiêm vaccine phòng dại bắt buộc cho chó, mèo,... đồng thời dạy trẻ không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Cha mẹ cũng cần để mắt đến trẻ khi ra ngoài.

Cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý, tiêm phòng dại là biện pháp bắt buộc khi bị chó, mèo dại cắn để bảo vệ sức khoẻ của trẻ.

Hoàng Chiến