“Rộng đường bơi” cho cá ngừ xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36%, đạt trên 95 triệu USD…
Tiếp cận nhiều thị trường
Bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hơn qua từng tháng. Dẫn số liệu của từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2021 trở lại đây xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 169 triệu USD năm 2021 lên 255 triệu USD năm 2023, tăng 51%. Đáng chú ý, sau khi phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao kỷ lục, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng lên. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường. Trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng cao, lần lượt là 88%, 35% và 141%. Riêng thị trường châu Âu (EU), xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các nước trong khối phần lớn đều tăng. Đức, Ba Lan và Hà Lan là 3 thị trường dẫn đầu về nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, việc được hưởng ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang khối thị trường này trong những tháng đầu năm. Theo thống kê, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng trưởng liên tục: từ 136 triệu USD năm 2020 lên 176 triệu USD năm 2023, tăng 30%. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường EU sau Ecuador, Seychelles, Papua New Guinea, Mauritius, Philippines và Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngoài Israel, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các nước Trung Đông khác như Israel, Libăng, Ai Cập cũng đang có mức tăng trưởng cao.
Việt Nam có hơn 140 công ty tham gia xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Trong đó, 5 công ty xuất khẩu lớn nhất là Tuna Vietnam chiếm tỷ trọng 10%, Mariso Vietnam chiếm 8%, Yueh Chyang Canned Food chiếm 8%, AHFISHCO chiếm 7% và Highland Dragon chiếm 6%.
Theo các chuyên gia, sự tiện lợi là yếu tố then chốt đối với người mua hàng và hải sản được ướp trước hoặc chế biến sẵn để hâm nóng dễ dàng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Áp lực cạnh tranh vẫn hiện hữu
Mặc dù có những tín hiệu tích cực về thị trường nhưng theo bà Hà, ngành cá ngừ vẫn bị kìm hãm bởi nút thắt thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải tăng nguồn cung từ nhập khẩu.
Đáng chú ý, theo bà Hà, hiện EU và Thái Lan đã bước sang vòng đàm phán tiếp theo và có thể tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (ETFTA). Việc này dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường EU.
“Nếu FTA giữa EU và Thái Lan được ký kết, EU có khả năng sẽ tiếp cận thị trường thủy sản Thái Lan với mức thuế 0%, bao gồm cá ngừ. Tính đến thời điểm này, cá ngừ Thái Lan xuất khẩu sang EU đang chịu thuế 24% – mức thuế cao nhất so với thế giới, sau sự việc Thái Lan bị mất quyền lợi thuế từ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của EU vào năm 2015. Hiện Thái Lan chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ cá ngừ vây vàng sang EU để phục vụ chế biến” - bà Hà cho biết thêm.
Theo bà Hà, nếu ETFTA có hiệu lực, mặc dù chưa biết rõ điều khoản thỏa thuận ra sao nhưng chắc chắn xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang EU sẽ thuận lợi hơn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam tại thị trường EU.