Bất động sản ấm dần
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã rót gần 1,98 tỷ USD vào ngành kinh doanh bất động sản, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Hiện có thêm 1.782 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và 1.529 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Sau thời gian ảm đạm kéo dài từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đang ấm dần.
Tại TPHCM, báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê thành phố cũng cho biết, trong tháng 5 doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%. Trước đó, 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh BĐS của TPHCM đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Như vậy có thể thấy ngay từ đầu năm nay, kinh doanh BĐS ở TPHCM đã ấm lên, vượt qua giai đoạn khó khăn kéo dài. Còn tính chung cả nước, theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, thì mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư BĐS. Cho thấy thị trường đã thực sự hồi phục.
Tới nay, sau hơn 1 năm áp dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm “giải cứu” thị trường BĐS đã phát huy hiệu quả. Các dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan chặt chẽ đến thị trường BĐS được Quốc hội thông qua đã tạo tâm lý ổn định cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án.
Nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta, một phần đáng kể lợi nhuận cả năm của các doanh nghiệp BĐS sẽ được ghi nhận vào nửa cuối năm 2024. Theo đó, dự báo lợi nhuận năm nay của nhóm 20 nhà phát triển BĐS được kỳ vọng tăng 41% và lợi nhuận sau thuế tăng 8%. Đáng chú ý, triển vọng của dòng vốn FDI là tín hiệu tốt cho một năm phục hồi kinh tế. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài dường như đang ở mức khá mạnh. Yuanta kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi của lĩnh vực BĐS từ 5 năm của chu kỳ trước (2008-2013) xuống chỉ còn 3 năm (2022-2025).
Trước những lo lắng về lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của thị trường BĐS trong năm nay, giới chuyên gia kinh tế cho rằng cũng không cần quá lo. Việc tăng lãi suất vay thế chấp thêm +0,5 đến +1,0 điểm phần trăm (nâng lãi suất theo chương trình khuyến mại kỳ hạn 12 tháng từ 5,5 - 7,5% lên 6,5 - 8,5% mỗi năm) cũng sẽ không có khả năng ảnh hưởng tới sự phục hồi tâm lý của thị trường BĐS.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp BĐS lại đặt kỳ vọng vào việc sẽ còn “ấm” hơn khi các luật liên quan sẽ có hiệu lực sớm. Điều đó sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của nhiều dự án BĐS, cũng có nghĩa là nguồn cung ra thị trường sẽ nhiều hơn, không bị gián đoạn. Đồng thời sẽ giúp thị trường thoát cảnh “tù mù” để trở nên minh bạch hơn. Các doanh nghiệp BĐS sẽ không thể “ém” hàng, tung hứng với nhau để thổi giá.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73 (ngày 17/5/2024) đề nghị Quốc hội cho phép các luật liên quan tới lĩnh vực BĐS sớm có hiệu lực (không đợi đến ngày 1/1/2025) sẽ tạo nên sự đồng bộ, tác động tích cực vào thị trường. Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), các luật liên quan đến thị trường BĐS có hiệu lực sớm sẽ đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư... vì vướng mắc pháp lý đang chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS.
Cùng trong nhận xét tích cực, đại diện Savills Việt Nam cho rằng, việc áp dụng các luật (sửa đổi) liên quan đến BĐS sẽ phản ánh rõ sự hiểu biết của cả người mua và người bán, thúc đẩy thị trường tăng tính hiệu quả khi các thông tin mua bán chuyển nhượng sẽ được công khai. Thanh khoản trên thị trường sẽ sôi nổi hơn.
Như vậy, cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài và sự thay đổi của các bộ luật sẽ là nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường BĐS hồi phục, mạnh lên. Đây chính là thời cơ lớn đối với doanh nghiệp BĐS khi tâm lý thị trường tốt hơn. Còn với người mua BĐS, mà cụ thể là người có nhu cầu thực về nhà ở thì sao? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thuận lợi sẽ tới nhưng sẽ chậm hơn so với doanh nghiệp BĐS, vì dẫu sao doanh nghiệp vẫn “nắm đằng chuôi”. Chỉ khi họ có nhiều sản phẩm hơn, nhà ở đưa ra thị trường nhiều hơn, các căn hộ chung cư mở bán nhiều hơn thì giao dịch mới thực sự thay đổi.
Ở một góc khác, cũng cần nói rằng căn hộ chung cư giá 25 triệu đồng/m2 ở Hà Nội và TPHCM đã “biến mất”. Việc quay trở lại mức giá đó là rất khó, nếu như việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn tiếp tục chậm chạp.