Chính trị

Thêm động lực để các địa phương cùng phát triển

H.Vũ 10/06/2024 09:53

Hiện đã có 10/63 tỉnh, thành có Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù. Vấn đề được đặt ra là có nên nhân rộng cơ chế đặc thù cho các địa phương nữa hay không và vì sao.

anh-to-bai-tren.jpg
Khu vực trung tâm TP Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hà.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội đang cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù. Đó là Nghị quyết của Nghệ An, và Đà Nẵng. Dự kiến 2 dự thảo Nghị quyết này sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp. Tính đến nay cả nước hiện có 10/63 tỉnh, thành được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều địa phương cũng rất muốn có được cơ chế đó, vì cho rằng “chiếc áo cơ chế hiện nay đã quá chật”, không còn phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cho đến nay đã có 10 địa phương có Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù. Có nhiều ý kiến đề xuất cần tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng là điều cần thiết và nên làm. Đặc biệt là những nội dung đã “chín”, đã thành công và nếu có hiệu quả thật sự thì cần kịp thời nhân rộng.

Theo ông Trí, lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào những tỉnh, thành có nhiều thế mạnh, là “các tỉnh, thành giàu”. Ví dụ Đà Nẵng có thể áp dụng tốt cho Nha Trang (Khánh Hòa), Kiên Giang, Quảng Ninh chứ khó có thể áp dụng được cho Lai Châu, Bắc Kạn, Đắk Nông. Cho nên đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép động viên, yêu cầu tất cả các tỉnh, thành xây dựng cơ chế đặc thù, các chính sách đặc thù cho tỉnh, thành của mình. Trong đó ưu tiên các tỉnh khó khăn, tỉnh chưa phát triển, tỉnh còn nghèo, tỉnh ở xa trung tâm và phải coi đây là cơ hội để lãnh đạo của các tỉnh, các bí thư, chủ tịch tỉnh thể hiện năng lực, hiểu biết, trình độ của cá nhân, tập thể, đóng góp vào chiến lược, phương hướng, nội dung chương trình phát triển của các tỉnh, thành đó. Đặc biệt, đây là cách làm để tạo sự bình đẳng giữa các tỉnh, thành.

“Các tỉnh còn khó khăn, còn nghèo, còn yếu, ở xa rất cần thí điểm các cơ chế đặc thù. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến điều đó” - ông Trí nói.

Theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH Bình Dương), có lẽ nên xem xét mở rộng các tỉnh được hưởng cơ chế đặc thù. Lần này chúng ta áp dụng đặc thù cho Nghệ An và Đà Nẵng, nhưng có những vùng rất cần phải được quan tâm, hỗ trợ như vùng Tây Bắc. Hiện nay chưa thấy có một chương trình nào hỗ trợ những tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, những vùng là “phên dậu quốc gia”, những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang còn nhiều khó khăn.

“Qua các đợt giám sát của Quốc hội tôi được biết các địa phương trên ngân sách đã không đủ chi, nhưng vẫn phải có nghĩa vụ quốc tế là hỗ trợ các bạn Lào. Cho nên những đơn vị, những tỉnh đặc trưng như thế rất xứng đáng để xem xét cơ chế đặc thù” - ông Huân nói.

Từ việc xây dựng các Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, Quốc hội nên cho phép các tỉnh, thành không thông qua Quốc hội mà giao cho Chính phủ để thực hiện kịp thời. “Nếu chúng ta chỉ thí điểm cho Đà Nẵng có những cơ chế, chính sách đặc thù, thì các tỉnh, thành khác khi xây dựng các Khu thương mại tự do sẽ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nếu chờ đến một thời gian khi Đà Nẵng thực hiện xong, sau đó mới tổ chức sơ kết, tổng kết để nhân rộng thì không kịp thời gian để cho các tỉnh, thành thực hiện” - theo bà Yến.

Bà Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói rằng, đã đến lúc cần tổng kết cơ chế thí điểm đặc thù để đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện các cơ chế đặc thù đã ban hành. Từ đó xem xét, ban hành một cơ chế, chính sách chung cho cả nước.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) cho hay, thực tế cho thấy nhiều địa phương còn rất nhiều khó khăn, mỗi địa phương đều có tính đặc thù riêng. Để tránh tâm lý các địa phương “so bì”, so sánh trong việc xây dựng chính sách đặc thù, từ đó dẫn đến mỗi địa phương có một nghị quyết đặc thù riêng thì Quốc hội, Chính phủ cần cho chủ trương chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các nghị quyết đặc thù đang được triển khai và thực hiện ở các địa phương hiện nay để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm. Luật hóa và nhân rộng áp dụng chung cho cả nước hoặc cho các vùng, các tỉnh có tính chất tương đồng với nhau và những chính sách mang lại hiệu quả để vừa đảm bảo chính sách mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng và kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách còn bất cập. Đồng thời tạo ra thêm động lực, điều kiện và cơ chế để các địa phương khác trong cả nước cùng phát triển.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, hiện nay chúng ta có 10 tỉnh có các cơ chế, chính sách đặc thù. Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật và bình đẳng giữa các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng 6 Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 6 vùng kinh tế.

“Thủ tướng đã giao rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách của 10 địa phương vừa qua và liên quan đến từng địa phương của từng vùng. Nếu thấy phù hợp với các chính sách này thì cho phép được áp dụng và nhân rộng cho các địa phương khác. Chúng ta cũng không cần phải chờ, làm mất cơ hội của các địa phương khác” - ông Dũng nói.

anh-theo-box-bai-tren.jpg

Theo ông Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lâu nay vẫn có một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là tại sao chỉ có một số tỉnh, thành lại được thí điểm cơ chế đặc thù? Từ đó, ông Trí cho rằng rất cần có những cơ chế đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa của từng địa phương để hạn chế khó khăn, bất lợi, để phát huy thế mạnh thuận lợi của từng địa phương thì địa phương đó mới bứt phá, mới đi lên được.

H.Vũ