Nhà văn trẻ Đức Anh: Sống chung với áp lực là điều cơ bản và đầu tiên mà tôi học được
Thuộc thế hệ viết 9X, Đức Anh đang là một trong những cây viết trẻ có nhiều dấu ấn sáng tạo. Năm ngoái, anh đã được trao giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”. Từ những suy tư của người trẻ, nhìn về một thế hệ Gen Z đang tìm kiếm sự chữa lành, Đức Anh cho rằng, chúng ta cần biết chính xác áp lực của mình đang nằm ở đâu để giải quyết nó một cách triệt để.
PV: “Chữa lành” hiện đang rất phổ biến và được nhiều người trẻ sử dụng để chỉ một cách nghỉ ngơi và thư giãn sau khi chịu những áp lực từ cuộc sống. Vậy theo quan điểm của anh, “chữa lành” là gì?
ĐỨC ANH: Theo Gary Reiss trong một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử phương pháp chữa lành, ban đầu đây là những phương pháp về tâm lý học giúp người ta thoát ra khỏi những tổn thương sâu sắc về tinh thần, thể chất. Những tổn thương này đã ở cấp độ bệnh lý và chính xác việc chữa lành này là một động tác y khoa.
Nhưng cụm từ “chữa lành” - do không có tính cách của một thuật ngữ chính thức - nên đã được bình dân hóa. Giờ thì có lẽ mọi người đều hiểu “chữa lành" là quá trình phục hồi và tái tạo lại năng lượng, tinh thần và cảm xúc sau khi trải qua căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Đây không chỉ là việc nghỉ ngơi mà còn là sự tự chăm sóc bản thân một cách toàn diện, gồm cả giác quan, thể trạng, tâm lý, cảm xúc.
Các bạn trẻ Gen Z hiện đang có rất nhiều cách chữa lành cho tâm hồn như nghe podcast, tham gia khóa thiền ngắn hạn, sống gần với thiên nhiên, du lịch... Điều đó phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng tăng ở người trẻ. Theo anh, tại sao thế hệ Gen Z lại cần được chữa lành nhiều đến vậy?
- Thế hệ Gen Z đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các thế hệ trước, bao gồm áp lực từ mạng xã hội, kỳ vọng về sự thành công, và một thế giới thay đổi nhanh chóng và kết nối liên tục.
Trước đây để giải quyết một công việc còn thư đi tin lại. Nhưng bây giờ có khi trong 5 phút chúng ta trò chuyện với 10 đối tác qua tin nhắn Zalo. Cuộc sống nhanh gấp, việc giao và nhận công việc cũng nhanh gấp vì quá tiện lợi. Thế rồi khi về nhà, ta còn phải sống cuộc sống trên mạng xã hội, nơi đó cũng không ít áp lực vô hình.
Kết quả khảo sát năm 2022 của Cục Quản lý Khám, dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu được cấp phép. Con số quá ít ỏi đúng không? Vậy nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần ngày càng tăng của Gen Z cũng là điều chính đáng.
Theo anh, khi Gen Z “sơ hở là đòi chữa lành”, vậy thì chữa lành có phải là sự yếu đuối, không dám đối mặt với khó khăn, thử thách hay không?
- Thực tế tôi gặp nhiều trường hợp thương tổn sẽ đi với họ cả đời, không vượt qua được. Và chữa lành trong trường hợp đó là cần thiết. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, vấn đề tâm lý không quá phức tạp, chỉ là sử dụng cụm từ “chữa lành” để tiện gọi thay cho việc “chăm sóc sức khoẻ tinh thần”.
Chữa lành không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là biểu hiện của sự nhận thức và chăm sóc bản thân một cách chủ động. Vấn đề là sau chữa lành thì…làm gì? Ta nên nhớ chữa lành là một bước để từ bỏ những tổn thương cũ và bắt đầu một cuộc sống mới. Tất cả những vấn đề gốc rễ vẫn có nguy cơ cứ còn ở đó, nhưng sau khi chữa lành, ta phải mạnh hơn để giải quyết được nó.
Đó là nỗi sợ không được chấp nhận, đó là cảm thấy mình vô ích, cảm thấy mình không được như người khác. Đó là ám ảnh về một việc trong quá khứ. Đó là những ảo ảnh khi nghĩ quá nhiều về một tương lai kém tươi sáng. Mọi điều đó không nhỏ, nhưng nhiều điều trong đó cũng không lớn như ta nghĩ, cần lọc bớt ra.
Con người có khả năng thích nghi rất cao. Trong tiến trình này, con người loại bớt được những áp lực vô ích và dần luyện được khả năng “lờ đi” những thứ không cần thiết. Khi lao động, kiếm tiền chân chính, người ta sẽ hiểu thêm nhiều điều về bản thân. Chúng ta có những hoang mang, có những giới hạn và có những điểm mạnh. Nhưng chúng ta cần biết chính xác chúng nằm ở đâu và chúng ta cư xử thế nào với nó. Vậy khi trả lời được những câu hỏi ấy, ta sẽ phần nào tăng thêm nghị lực sống.
Với những bạn trẻ đang phải tồn tại ở thành phố, việc mưu sinh tuy mệt mỏi nhưng chính nó đang giúp chúng ta mạnh lên nhiều đấy. Với các bạn đã có điều kiện, và cuộc sống tương đối nhiều lựa chọn (đến mức hoang mang vì không biết chọn gì), bạn hãy thử kinh doanh hoặc xây dựng một cái gì đó. Nếu được hãy chủ động tự tạo áp lực trước khi bị người khác tạo áp lực.
Ai cũng sẽ gặp những áp lực trong cuộc sống và có lẽ anh cũng đã từng trải qua những áp lực nào đó. Vậy khi đó anh thường tìm đến các phương pháp gì để chữa lành cho tâm hồn mình?
- Tôi muốn nói rằng chúng ta đều sẽ có lúc chịu thua các áp lực, không ai thắng được đâu. Nhưng vấn đề là ta sẽ dần hiểu ra trong số các áp lực, có nhiều áp lực vô nghĩa và có nhiều áp lực là hữu ích. Vậy sống chung với áp lực là điều cơ bản và đầu tiên mà tôi học được.
Một năm chúng ta có 12 tháng ư? Không, một năm chúng ta có 13 tháng rưỡi. Bạn có một tháng rưỡi thừa ra là do sự cộng lại của những khoảng thời gian phí phạm. Tôi nhận ra rằng, ngủ sớm, và dậy rất sớm, chúng ta sẽ có cho mình nhiều thời gian yên tĩnh và thông thái hơn. Kể cả là dậy sớm chỉ để làm việc. Bạn cứ thử mà xem, áp lực đời sống sẽ tự nhiên giảm nếu như chúng ta chỉnh lịch sinh hoạt của mình sang khung từ 5h30 đến 21h30. Ta bắt đầu sớm hơn, và ta có cảm giác làm chủ cuộc sống.
Tôi còn một trò vui khác là học ngoại ngữ. Tôi học không để làm gì cả, chỉ để cố gắng đọc được một bài thơ bằng thứ tiếng mới hoặc hy vọng có thể kết thêm bạn đến từ một quốc gia khác. Nhưng việc học ngoại ngữ giúp tôi thấy cuộc đời cực kỳ tươi mới.
Anh có thể đưa ra một vài phương pháp chữa lành hiệu quả dành cho các bạn trẻ?
- Tôi thấy có nhiều người dậy sớm và ngồi thiền. Đây chắc chắn là hiệu quả nhất. Ngoài ra thì đi bộ trong công viên, leo núi hoặc chỉ đơn giản là ngồi thư giãn trong vườn có thể giúp tâm hồn thư thái. Tìm một vài hoạt động thể thao yêu thích. Hy vọng những phương pháp này sẽ giúp các bạn trẻ tìm lại được sự bình yên và sức mạnh tinh thần để đối mặt với cuộc sống hàng ngày.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!