Chậm trễ sữa chữa biển báo bị hư hỏng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Mặc dù đơn vị quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã nhiều lần ban hành văn bản gửi Công ty CP BOT Bạch Đằng yêu cầu sửa chữa các biển báo bị hư hỏng trên tuyến, tuy nhiên, sau hơn 6 tháng, tình trạng trên vẫn… y nguyên.
“Rối não” với biển báo hỏng
Nhiều tháng qua, các tài xế đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ký hiệu toàn tuyến là CT.04), đoạn nút Đình Vũ (TP Hải Phòng) rẽ sang tỉnh Quảng Ninh đều bất ngờ với các biển báo mất một phần hoặc thậm chí trống trơn không có nội dung gì.
Lái xe Phạm Văn Nhật (quận Kiến An, Hải Phòng) cho hay: “Cung đường từ Hải Phòng sang Quảng Ninh với tôi khá quen thuộc. Nhiều tháng nay, khi di chuyển đến đoạn đường dẫn lên cầu Bạch Đằng từ nút Đình Vũ rẽ sang TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), tôi thấy các biển báo bị hư hỏng, không rõ chỉ dẫn gì. Biển hỏng nhưng không thấy được tháo dỡ hoặc thay thế”.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn kết, hiện có 3 biển chỉ dẫn lắp đặt trên cột cần vươn thuộc tài sản của Dự án nút giao giữa đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Dự án nút giao Bạch Đằng) bị bong bật mặt phản quang, không còn tác dụng của biển chỉ dẫn. Việc các biển báo hư hỏng không chỉ gây khó khăn cho việc quan sát của các lái xe mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến.
Cụ thể, theo hướng Hải Phòng - Hà Nội, biển chỉ dẫn IE.466 (Km104+785) bị bong hết mặt phản quang, trên biển chỉ còn đúng chữ: CT.04 và CT.06. Cách đó không xa, biển chỉ dẫn IE.464 (Km104+410) bị bong mất 1/3 mặt phản quang, phần chữ Hạ Long, Quảng Ninh không còn nguyên vẹn. Tương tự, biển chỉ dẫn IE.452 (Km 103+740) trống trơn, không còn chỉ dẫn ngoài dòng chữ CT.04.
Chờ … giải ngân!
Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Công ty QLKT) được Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) giao nhiệm vụ thực hiện việc quản lý, vận hành và khai thác Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ngày 16/1/2024, Công ty QLKT đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng (chủ đầu tư) yêu cầu sửa chữa các biển báo nói trên. Theo đó, Công ty QLKT đề nghị Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng khẩn trương sửa chữa các biển chỉ dẫn để phát huy tác dụng chỉ dẫn của biển báo, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham giao thông và không làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý, vận hành của đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
“Nếu xẩy ra mất an toàn giao thông do các biển báo không được sửa chữa kịp thời trên tuyến Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vì lý do nêu trên, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, văn bản nêu rõ.
Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 Công ty QLKT gửi văn bản đề nghị Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng yêu cầu nhanh chóng sửa chữa các biển báo bị hỏng. Trước đó, ngày 28/11/2023, Công ty QLKT đã từng có văn bản đề nghị nội dung trên. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 6 tháng, các biển chỉ dẫn bị hư hỏng vẫn… y nguyên.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Trạm trưởng Trạm thu phí BOT Cầu Bạch Đằng, nhiệm vụ quản lý, bảo trì, duy tu các biển báo được Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng giao cho Công ty CP xây dựng đường bộ 248 (trụ sở chính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đảm nhiệm.
Thừa nhận các biển báo đã hư hỏng từ khá lâu, đại diện Công ty CP xây dựng đường bộ 248 cho biết: Do không kiểm soát chất lượng “đầu vào” của các biển báo từ khi nhận nhiệm vụ khoảng từ năm 2018 nên không rõ vì sao các biển báo lại bị bong tróc, hư hỏng!
Lý giải nguyên nhân của việc chậm trễ sửa chữa các biển báo, đại diện công ty CP BOT Bạch Đằng cho rằng: Để có thể sửa chữa biển báo, doanh nghiệp phải lập dự toán, xin kinh phí từ UBND tỉnh Quảng Ninh. Hiện, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với nhà thầu thi công và đang chờ ngân hàng tạm ứng, giải ngân nguồn kinh phí trên.
Tuy nhiên, khi PV đề xuất được cung cấp các văn bản trong quá trình hoàn thiện thủ tục sửa chữa biển báo thì phía công ty CP BOT Bạch Đằng từ chối.
Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT, khởi công năm 2014 với tổng chiều dài 5,3km, tổng vốn đầu tư hơn 7.270 tỷ đồng. Cầu Bạch Đằng là cây cầu kết nối tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng, thuộc tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và nối trực tiếp vào tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.