Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao?
Đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng (dự kiến từ ngày 1/7/2024) đối với doanh nghiệp và người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận định, với mức đề xuất tăng bình quân 6% sẽ góp phần cải thiện tiền lương cho người lao động. Hiện, phần lớn doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Lương tối thiểu vùng được duy trì gần 2 năm nay. Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán, với dự kiến CPI năm 2024 tăng - 4,5%, mức lương tối thiểu hiện nay không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình tại thời điểm năm 2024.
Thêm vào đó, các yếu tố về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, khả năng của doanh nghiệp (DN) có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với năm 2022. Chẳng hạn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2023 đạt 5,05%, quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, sản xuất kinh doanh của DN có xu hướng tốt hơn. Tiền lương, thu nhập của NLĐ tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, tiền lương của các đối tượng thuộc khu vực công sẽ được điều chỉnh tăng. Nếu không điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với NLĐ thuộc khu vực có quan hệ lao động sẽ không bảo đảm cân đối và phát sinh so sánh, so bì giữa các khu vực.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ; đồng thời, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2024, trùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước.
Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, trình Chính phủ, Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/7/2024. Cụ thể vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Báo cáo đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng dự kiến từ ngày 1/7/2024 đối với DN và người lao động, Bộ LĐTBXH nhận định nếu điều chỉnh theo phương án nêu trên, mức lương tối thiểu theo tháng sẽ cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu tính đến hết năm 2024. Từ đó cải thiện thêm tiền lương cho NLĐ; cơ bản bảo đảm đủ mức sống tối thiểu năm 2025.
Phương án này cũng tính toán đến bối cảnh kinh tế, xã hội và mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN, dự báo tăng bình quân khoảng 0,5% - 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,1% - 1,2%.
Tác động đối với DN, Bộ LĐTBXH nhận định, đa phần các DN đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến. Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Đối với nhóm NLĐ hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới. Về mức lương tối thiểu giờ, Bộ đề xuất điều chỉnh tương ứng với lương tối thiểu tháng. Trong đó, vùng I tăng lên 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu giờ chỉ là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, trả lương cho 1 giờ lao động. Hiện tại, mức lương tối thiểu giờ nêu trên chỉ tương đương với các mức lương thấp nhất đang được trả cho các công việc không trọn thời gian, như phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…
Vì vậy, Bộ LĐTBXH cho rằng khi áp dụng mức lương tối thiểu giờ nêu trên, cơ bản sẽ không làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN, bởi đa phần đã trả bằng hoặc cao hơn mức này. Do đó, không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của NLĐ.