Trái đất nóng lên, kinh tế đi xuống
Báo cáo mới đây của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) cho rằng, tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu nghiêm trọng đến mức có thể so sánh với thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Nhóm nghiên cứu cho biết, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra tồi tệ hơn gấp 6 lần so với các dự báo trước đây. Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 12%. Trong khi đó, trái đất đã ấm lên hơn 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp (thế kỷ 19) và có khả năng tăng tới 3 độ C vào cuối thế kỷ 21, nếu như việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch không giảm.
Ngay cả khi lượng khí thải được cắt giảm mạnh, biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây ra tổn thất kinh tế nặng nề. Khi mức độ nóng lên toàn cầu được hạn chế ở mức hơn 1,5 độ C, thì tổn thất GDP vẫn ở mức khoảng 15%, theo NBER.
Đáng chú ý khi ông Adrien Bilal - nhà kinh tế học Đại học Harvard (Mỹ) và là một trong những tác giả báo cáo của NBER, cho rằng người dân có thể nghèo hơn 50% so với thời điểm không có biến đổi khí hậu. Sự biến chuyển này sẽ thay đổi cuộc sống của con người. Hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 50 năm qua và thảm họa khí hậu ngày càng tồi tệ sẽ khiến tổn thất kinh tế không kém thời chiến.
"Sự so sánh có vẻ gây sốc, nhưng xét về GDP thì có sự tương đồng. Đó là một suy nghĩ đáng lo ngại" - TS Bilal nói và nhấn mạnh cần có cách nhìn toàn diện hơn về tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu bằng cách phân tích trên quy mô toàn cầu, thay vì ở từng quốc gia. Cách tiếp cận này cho phép liên kết giữa tác động của sóng nhiệt, bão, lũ lụt và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại lên năng suất cây trồng, lao động và vốn đầu tư.
Trong khi đó, TS Gernot Wagner (nhà kinh tế khí hậu Đại học Columbia, Mỹ) cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cụ thể là chống lại việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch tới nay đã không thành công. Mức độ tiệu thụ dầu mỏ vẫn không ngừng tăng trong khi năng lượng tái tạo chưa có vị trí vững vàng.
TS Wagner dẫn kết quả nghiên cứu độc lập công bố ngày 9/6 cho biết, thu nhập trung bình sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 26 năm tới so với mức thu nhập “trong điều kiện khí hậu bình thường”. Mới đây, trang The Weather Network (Mỹ) dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK - Đức) cho rằng, biến đổi khí hậu gây thiệt hại đối với trồng trọt, hạ tầng, sản xuất và sức khỏe tương đương 38.000 tỷ USD/năm vào năm 2050. Con số này hầu như chắc chắn do hoạt động của con người phát thải thêm khí nhà kính. Theo PIK, biến đổi khí hậu sẽ gây tổn thất 17% GDP toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.
Nhiều nghiên cứu cho biết, suốt năm 2023 kéo dài tới tháng 6/2024, thế giới đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục mới về thời tiết toàn cầu. Trong đó, những kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị xô đổ ở khắp mọi nơi, từ Ấn Độ đến các quốc gia Âu - Mỹ. Tính tới tháng 6 năm nay, 12 tháng liên tiếp nhiệt độ cao hơn mức trung bình trước đó. Có nghĩa là tháng nào cũng là tháng nóng nhất trong vòng 1 năm. Tháng 11/2023, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng năm 2023 là năm nóng nhất trên trái đất trong 125.000 năm qua. Nhưng tới tháng 6/2024, kết quả nghiên cứu đó đã không còn đứng vững.
Ông David Reay - Giám đốc điều hành Viện Biến đổi khí hậu Edinburgh (Đại học Edinburgh, Anh) nói với CNN rằng: Phải chăng việc xả khí thải carbon không ngừng nghỉ của loài người cuối cùng đã đẩy khủng hoảng khí hậu sang một giai đoạn hủy diệt mới và diễn tiến nhanh hơn?
TS Reay dẫn lại câu chuyện vào ngày 23/6/1988, trong một cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ, TS James Hansen - Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã cảnh báo về xu hướng gia tăng của nhiệt độ trên trái đất “tới 99% do sự tích tụ CO2 và các loại khí thải khác mà con người đưa vào bầu khí quyển”.
Khi đó, giới khoa học vẫn tỏ ra thận trọng trong việc thừa nhận mối liên hệ giữa việc nhiệt độ gia tăng và tình trạng nóng lên toàn cầu do ô nhiễm không khí. Nhiều người con cho rằng ông Hansen đã phóng đại vấn đề như một “thuyết âm mưu”.
Tuy nhiên, hơn 30 năm sau cuộc điều trần, không ai còn tranh cãi về đánh giá của TS Hansen. Nhưng đáng tiếc là biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt hơn khi một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change kết luận rằng thế giới đang trải qua một bước ngoặt đáng sợ về biến đổi khí hậu. Không chỉ tổn hại sức khỏe, mà thế giới sẽ còn phải chịu đựng sự sụt giảm kinh tế cũng như số người nghèo gia tăng.
Một nghiên cứu được Liên hợp quốc hỗ trợ cho rằng các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn có kế hoạch khai thác sản lượng nhiều hơn gấp đôi mức hiện nay (tháng 6/2024) vào năm 2030. Theo đại diện Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen, điều đó sẽ làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Đồng thời tạo ra rủi ro kinh tế tương lai của nhân loại sẽ bị đặt trước một dấu hỏi lớn.