Mặt trận

Nhiều lễ hội Phật giáo đặc sắc tại Festival Huế 2024

Nguyễn Quốc 11/06/2024 15:33

Nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (diễn ra từ ngày 7 - 12/6), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng hành cùng chính quyền tỉnh, Ban Tổ chức Festival Huế tổ chức Lễ hội Ẩm thực chay và Lễ hội Hoa đăng, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tham gia.

Hàng nghìn người tham gia lễ hội Ẩm thực chay

ndt02164.jpg
Những món ăn tại lễ hội Ẩm thực chay được bài trí vô cùng bắt mắt. Ảnh: B.C.T.

Trong 2 ngày 8-9/6, tại Nghinh Lương Đình, Lễ hội Ẩm thực chay - Festival Huế 2024 mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm thú vị về ẩm thực chay Huế.

Đại đức Thích Huệ Trọng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban từ thiện xã hội GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Ẩm thực chay cho biết, ăn chay ngoài mục đích hướng thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi còn giúp chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

“Vì thế, đây được coi là khuynh hướng thịnh hành và được ưa chuộng. Đặc biệt, với bề dày truyền thống, khi nhắc đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực chay bởi sự đa dạng về cách chế biến, tính thực dưỡng cao, sự tinh tế, khéo léo trong sắp đặt và bài trí. Chính những điều này đã tạo cho ẩm thực chay Huế một nét riêng đặc sắc”, Đại đức Thích Huệ Trong chia sẻ.

Anh Trần Ngọc Tuấn (Quảng Trị) cho biết, lễ hội Ẩm thực chay Huế tại Festival Huế năm nay thật sự là tinh hoa văn hóa, thể hiện sự tinh tế và khéo léo trong cách chế biến và bài trí các món ăn, mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm không thể nào quên.

ndt02145.jpg
ndt02169.jpg
Lễ hội Ẩm thực chay thu hút hàng nghìn người tham gia. Ảnh: B.T.C.

Theo Ban tổ chức Festival Huế 2024, đây là lần đầu tiên lễ hội Ẩm thực chay được đưa vào chương trình Festival và được công bố họp báo quốc tế và cũng là lần đầu tiên chính quyền phối hợp GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức một hoạt động để tôn vinh ẩm thực chay quy mô lớn.

Theo ông Trung, điều đáng mừng là có rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia, tạo nên quy mô và sức hút cho lễ hội. Qua lễ hội này, ban tổ chức cũng mong muốn lễ hội Ẩm thực chay sẽ được tổ chức thường niên và sau này sẽ trở thành lễ hội ẩm thực chay quốc tế, làm cơ sở để xây dựng trung tâm ẩm thực chay trong tương lai.

Năm nay, lễ hội hội Ẩm thực chay có quy mô 36 gian hàng của 45 đơn vị tham gia, với hơn 72 món ăn đa dạng như gỏi thập cẩm, gỏi thanh trà, cà ri, các loại bánh, chè, cơm hến... đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Ban tổ chức, trong đêm đầu tiên diễn ra, lễ hội ẩm thực chay đã thu hút gần 2.000 người dân và du khách đến thưởng thức. Ngoài ra, tại lễ hội Ẩm thực chay Festival Huế 2024, toàn bộ kinh phí thu được từ lễ hội sẽ được sử dụng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đem tình yêu thương đi vào cuộc sống, cùng nhau chung tay xây dựng một cuộc sống hòa bình và an lạc.

Đêm hội Hoa đăng trên sông Hương

Là một trong 2 lễ hội điểm nhấn (sau lễ hội Ẩm thực chay) do Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2024 tổ chức tại Nghinh Lương Đình, lễ hội Hoa đăng với tâm niệm nguyện cầu phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.

Lễ hội Hoa đăng, với ý nghĩa “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” và “hộ quốc an dân”, chính là minh chứng cho sự gắn kết sâu sắc giữa Phật giáo và đời sống con người.

z5522610853646_1d3a6d338d16a01687232b2edc0cada6.jpg
Lễ hội Hoa đăng. Ảnh: Đ.H.

Với 30.000 hoa đăng được thả xuống sông Hương tạo nên bức tranh lung linh sắc màu, huyền ảo về đêm. Lễ hội Hoa đăng tạo nên dòng chảy tâm linh, cầu mong cho những điều tốt đẹp đến với quê hương, đất nước và toàn nhân loại.

Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể với các hoạt động chính, như: chương trình văn nghệ đặc sắc, khởi chinh cổ, nhạc tam luân cửu chuyển và thực hiện nghi lễ cầu nguyện thành kính, trang trọng với nghi lễ cử 3 hồi chuông trống bát nhã.

Sau các nghi lễ, những ngọn hoa đăng được thắp sáng lung linh trong đêm mang theo những nguyện cầu của người dân xứ Huế, du khách cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, an lành và hạnh phúc đến với mọi nhà.

z5522611123710_0c32ba77cdff9ff1357e0affb5fa7ae0.jpg
Với 30.000 hoa đăng được thả xuống sông Hương tạo nên bức tranh lung linh sắc màu, huyền ảo về đêm. Ảnh: Đ.H.

Lễ hội Hoa đăng là một hoạt động ý nghĩa góp thêm sắc màu cho Festival Huế, cho tinh hoa văn hóa Huế thêm sức sống; cũng như tiếng gọi mời thân thiện chan chứa tình cảm của người dân Cố đô đến với mảnh đất giàu lòng hiếu khách.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lễ hội Hoa đăng năm nay là kết tinh tâm nguyện, hoài bão thiết tha của Tăng - Ni, Phật tử, người dân Thừa Thiên - Huế cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới thoát nạn chiến tranh - thiên tai - dịch bệnh, chúng sanh an lạc.

“Đây cũng nội dung lễ hội đặc sắc, góp phần vào thành công của Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Tất cả đều thể hiện sinh động tinh thần nhập thế của Phật giáo Huế đang trên lộ trình hội nhập và phát triển đất nước, góp phần cùng nhân dân tỉnh nhà xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị”, ông Bình nói.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán diễn ra triển lãm Văn hóa Phật giáo - Festival Huế 2024. Tại đây, 110 tác phẩm thông qua hình tượng hoa sen và các biểu tượng Phật giáo đã giới thiệu đến công chúng và du khách. Những tác phẩm này được chế tác một cách bài bản, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và thể loại, được làm bằng chất liệu tranh sơn mài, gốm, đồng, đá cuội, tranh lụa và các chất liệu truyền thống khác…

Nguyễn Quốc