Kinh tế

Kinh tế vĩ mô ổn định, khoảng cách tỷ giá sẽ thu hẹp

H.Hương 12/06/2024 09:59

Báo cáo tài chính quý I/2024 của không ít doanh nghiệp (DN) cho thấy những khoản lỗ lớn vì chênh lệch tỷ giá.

Chẳng hạn, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco3) ghi nhận mức lỗ ròng 652 tỷ đồng trong quý I/2024 trong khi cùng kỳ năm trước lãi 621 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân được Công ty này đưa ra là do chi phí tài chính tăng gấp hơn 2 lần năm trước, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá khi quý I/2024 lỗ 617 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 172 tỷ đồng.

Còn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, trong quý I/2024, phát sinh khoản lỗ tỷ giá lớn 46 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo Vinatex, trong quý I, tỷ giá tăng cao từ 24.420 VND/USD tại thời điểm đầu năm lên 24.970 VND/USD tại thời điểm 31/3/2024. Trong khi đó, các đơn vị thành viên của Tập đoàn chủ yếu vay bằng USD để phục vụ sản xuất kinh doanh nên việc tỷ giá tăng cao khiến các DN phát sinh lỗ tỷ giá lớn do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhu cầu USD của các DN nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%. Do đó, trước những biến động tỷ giá như trên, các chuyên gia khuyến cáo DN nên chủ động có giải pháp phòng ngừa, bằng cách lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)…

Thực tế, tính từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD. Tuy nhiên, đà tăng của tỷ giá cũng đã chững lại từ khoảng cuối tháng 4 đến nay, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện bán can thiệp USD cho các ngân hàng và thực hiện bơm hút thanh khoản nhịp nhàng, nâng lãi suất VNĐ trên thị trường mở và thị trường liên ngân hàng.

Trong sáng ngày 11/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.250 đồng/USD. Như vậy, với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.038 - 25.463 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.192 – 25.462 đồng/USD.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, năm ngoái VND mất giá khoảng 2,6%; chỉ số đồng đô-la Mỹ (DXY) cũng mất giá. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng giá trở lại 3,4%, nhờ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất, kinh tế Mỹ phục hồi tốt. Tuy vậy, USD bắt đầu giảm giá khoảng 2 tuần qua, nhờ vậy các đồng tiền khác trong đó có VND tăng giá trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá khoảng 4,6%.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tỷ giá sẽ không vượt quá 26.000 VND/USD bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định.

Công ty chứng khoáng MBS cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 VND/USD trong tháng 6 và tháng 7 dưới những yếu tố tích cực như thặng dư thương mại lũy kế 5 tháng 2024 đạt 8 tỷ USD, dòng vốn FDI thực hiện 5 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 5 tháng đầu năm 2024 tăng 64,9% so với cùng kỳ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

H.Hương