Khối C, D ứng tuyển vào trường Y: Nhiều thí sinh băn khoăn
Năm 2024, lần đầu tiên Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội sử dụng tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh) trong xét tuyển bên cạnh tổ hợp truyền thống B00 nên nhiều thí sinh có băn khoăn.
Đảm bảo chuẩn đầu ra
PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường mở 3 ngành mới là Tâm lý học (60 chỉ tiêu), Hộ sinh (50 chỉ tiêu) và Kỹ thuật phục hình răng (50 chỉ tiêu). Trong đó, ngành Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng cùng thuộc lĩnh vực sức khỏe, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và tuyển sinh theo tổ hợp truyền thống B00. Riêng ngành Tâm lý học xét tuyển các khối B00, C00 và D01, mỗi khối lấy 20 chỉ tiêu. Ngành Y tế công cộng xét tuyển tổ hợp D01, B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh) và B00.
Vì là năm đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội sử dụng tổ hợp khối C00 và D01 trong xét tuyển bên cạnh các tổ hợp truyền thống B00 nên nhiều thí sinh băn khoăn. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ một số ngành của trường áp dụng tổ hợp mới này phù hợp với yêu cầu đào tạo. Ông Tùng lý giải, việc sử dụng tổ hợp C00 và D01 để xét tuyển vào ngành Tâm lý học không có gì lạ do đây là ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi.
Trên thực tế, hiện nay ngành Tâm lý học đang được đào tạo ở nhiều trường ĐH trong nước như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang xét tuyển khối A01, C00, D01, D04, D78. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xét tuyển ngành Tâm lý học khối C00, D01, D02, D03….
Đối với ngành Y tế công cộng năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội cũng tuyển sinh tổ hợp D01, bên cạnh B00 và B08 truyền thống. Điều này được lý giải là vì khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cho thấy, hầu hết các em đều làm việc cho các chương trình y tế quốc gia và tổ chức phi chính phủ, liên quan đến lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng, các chương trình y tế trọng điểm. Vì vậy, nhà trường định hướng tìm kiếm những sinh viên có tư duy logic, khả năng lập dự án, phân tích, quản lý, năng lực tiếng Anh, viết và trình bày các kết quả báo cáo để phù hợp với ngành học cũng như nhà tuyển dụng yêu cầu sau này.
Vì ngành Y tế công cộng thuộc lĩnh vực sức khỏe, song không cấp chứng chỉ hành nghề nên dù không học khối B00 ở bậc phổ thông nhưng khi vào trường, các em vẫn được đảm bảo thực hiện đủ nội dung chương trình, đáp ứng chuẩn đầu ra cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đại diện nhà trường cũng lưu ý với các ngành học truyền thống như Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - hàm - mặt, Y học dự phòng, Dinh dưỡng… trường vẫn giữ nguyên tổ hợp xét tuyển duy nhất là B00 như các năm trước nên thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập và nộp hồ sơ xét tuyển. Năm nay, trường dự kiến tuyển sinh tổng 1.720 chỉ tiêu (tăng 350 chỉ tiêu so với năm 2023).
Không thả nổi
TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, việc Trường ĐH Y Hà Nội tuyển sinh khối C00 hay D01 đã được lý giải phù hợp với ngành học mới mở của nhà trường mà không phải là các ngành học truyền thống như Y đa khoa như lo ngại của nhiều người. Những mùa tuyển sinh trước, có một số trường ĐH tư thục, gồm: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Văn Lang đưa môn Ngữ Văn vào tổ hợp xét tuyển đối với ngành Y, gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Sau 1 năm tuyển sinh các khối “lạ” này, các trường vẫn chưa có thông tin tổng kết về chất lượng tuyển sinh đầu vào có đáp ứng yêu cầu học tập hay không. Tuy nhiên có thể thấy, năm 2024 môn Văn tiếp tục xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển vào khối ngành Y - Dược của nhiều trường. Như ngành Bác sỹ đa khoa của Trường ĐH Duy Tân tuyển khối B00, A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn), D09 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ), D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ)…
Ông Khuyến cho rằng đối với ngành Y, môn Hóa và môn Sinh là những môn học mang tính chất hướng nghiệp, bắt buộc phải có trong tổ hợp xét tuyển. Còn môn thứ ba có thể được cân nhắc để thay thế bằng môn học khác, như Ngữ văn và Tiếng Anh, thay vì những môn mang tính truyền thống là Toán. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu về chất lượng đầu vào ở một ngành đặc thù của khối ngành Sức khỏe, ngoài quy định điểm sàn của Bộ GDĐT, theo ông Khuyến cần có việc thanh kiểm tra, xét duyệt của Bộ GDĐT thay vì “thả nổi” để các trường tự chủ tuyển sinh. Bởi thực tế, trong cuộc chạy đua đạt chỉ tiêu tuyển sinh, một số trường ĐH ở mức trung bình và thấp thay vì chú ý đến chất lượng lại đưa ra những phương thức “lạ mắt”, gây nhiều tranh cãi.