Thành quả từ tinh thần đoàn kết, đồng thuận
Những ngày này, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Bình cùng hướng về Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2024-2029) - nơi hội tụ tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương.
Vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân
Theo ông Vũ Thanh Vân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình, 5 năm qua, cùng với những kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường, mở rộng. Trong đó, từ thành quả phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, số lượng công nhân hiện đã phát triển lên trên 184.000 người (khoảng 10% dân số). Với số lượng đông đảo, với truyền thống thâm canh lúa, rau màu, ngày nay nông dân Thái Bình đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trên đồng ruộng, làm chủ nhiều mô hình sản xuất liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp “đại điền”; đang thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Đội ngũ trí thức hiện phát triển lên gần 98.000 người, có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm có giá trị cũng như góp phần phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ doanh nhân Thái Bình ngày nay phát triển mạnh về số lượng, luôn nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Lực lượng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, xung kích, có nhiều đóng góp trên mọi lĩnh vực. Hơn 962.000 phụ nữ luôn phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội. Hơn 104.000 hội viên Cựu chiến binh, cựu quân nhân luôn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ gìn an ninh trật tự, giúp nhau làm kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Lực lượng vũ trang nhân dân luôn trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân và chế độ, là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân.
Gần 29 vạn đồng bào và các tín đồ tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo. Ngoài ra, hàng triệu người Thái Bình đang sinh sống, làm việc ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài luôn có nhiều việc làm thiết thực hướng về xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Việc khó, có cán bộ Mặt trận
Với vai trò đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân; đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, 5 năm qua, hệ thống Mặt trận ở Thái Bình từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, các chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác Mặt trận; bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chung; đổi mới phương thức hoạt động; hướng mạnh mọi hoạt động về địa bàn khu dân cư; chủ động, tích cực tham gia vào những việc khó, việc mới; qua đó đã triển khai đầy đủ, hiệu quả các chương trình phối hợp hành động.
Đặc biệt, đã phối hợp duy trì, phát động, tổ chức thêm nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực, mang dấu ấn Mặt trận, cùng hướng đến việc đảm bảo dân sinh, phát triển dân trí, phát huy dân chủ, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Còn nhớ, những năm đầu nhiệm kỳ là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát; mọi hoạt động của đời sống bị đảo lộn, đình trệ khiến cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình gặp khó khăn. Khi đó, hệ thống MTTQ, các tổ chức thành viên ở Thái Bình bằng nhiều cách đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, đã tuyên truyền, vận động, quyên góp ủng hộ những người gặp khó khăn.
Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ tỉnh, khi đó Thái Bình dấy lên phong trào “nhường cơm, sẻ áo”. Mọi thành phần, từ cán bộ, công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, chức sắc, tín đồ các tôn giáo… đều tham gia quyên góp ủng hộ công cuộc phòng chống dịch. Hình ảnh nhiều trẻ em “đập lợn tiết kiệm”, nhiều cụ già trích lương hưu, mang tiền, gạo, khẩu trang đến trụ sở cơ quan MTTQ ở tỉnh, nhờ chuyển ủng hộ giúp đỡ những người khó khăn thực sự là những hình ảnh đẹp về tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng bào.
“Trong những tháng ngày khó khăn đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 43 tỷ đồng tiền mặt, số hiện vật trị giá 16 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết.
Một trong những dấu ấn quan trọng khác của công tác Mặt trận ở tỉnh Thái Bình trong 5 năm qua là công tác vận động nhân dân hiến đất mở đường xây dựng NTM. Xuất phát từ yêu cầu phát triển hạ tầng, nhất là giao thông để phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh, từ chủ trương chung, cán bộ MTTQ nhiều địa phương trong tỉnh Thái Bình đã dày công, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động các hộ dân nơi có dự án đường đi qua “hiến đất, mở đường”. Nhận thức được lợi ích chung, rất nhiều hộ dân đã không tính thiệt hơn, đồng thuận hiến, góp đất. Theo ông, Phạm Văn Vịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Phụ, từ năm 2021 đến nay đã có trên 4.600 hộ ở gần 30 xã của huyện hiến, góp gần 40ha để xây dựng nông thôn mới.
Ở phạm vi toàn tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình thống kê được từ năm 2019 đến năm 2023, MTTQ các cấp đã tham gia vận động nhân dân hiến tặng gần 937 nghìn m2 đất, 981,8 tỷ đồng, gần 787 nghìn ngày công phục vụ xây dựng NTM, góp phần quan trọng vào thành quả đến tháng 5-2024 toàn tỉnh có 100% số xã, huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
10 dấu ấn nổi bật
1. Duy trì Trang thông tin điện tử MTTQ tỉnh, trang fanpage cộng đồng của MTTQ tỉnh Thái Bình, 8/8 huyện, thành phố và trên 70% cấp cơ sở; 100% MTTQ các cấp áp dụng thông tin, tuyên truyền trên các nhóm Zalo. Trang bị Bản tin công tác Mặt trận cho 100% Trưởng ban Công tác Mặt trận.
2. Hàng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết.
3. Duy trì 2.117 mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; 2.914 mô hình “Dòng họ không ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội”; 299 mô hình “Xứ họ đạo không tội phạm, ma tuý và tệ nạn xã hội”; 751 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; 2.064 tổ tự quản môi trường.
4. Có 2.713 lượt chùa được công nhận “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, 1.357 lượt xứ, họ đạo được công nhận “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”.
5. Vận động được trên 43 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 16 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch; trên 45,7 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”, trên 100 tỷ đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội; xây dựng, sửa chữa 1.047 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
6. Vận động nhân dân đóng góp 981,8 tỷ đồng, hiến tặng 936.722m2 đất, 786.994 ngày công xây dựng NTM.
7. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tặng quà Tết hàng năm; chi trên 600 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ hỗ trợ các trường hợp bị rủi ro đột xuất.
8. Tổ chức 807 hội nghị (trên 15.800 người tham gia), đóng góp trên 6.119 ý kiến tham gia xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp. Ngoài hàng nghìn hội nghị tiếp xúc cử tri đã tổ chức 1.453 hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân.
9. Chủ trì tổ chức 2393 cuộc giám sát; tổ chức phản biện 12 dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh. Cấp huyện, cấp xã tổ chức 1458 cuộc phản biện xã hội.
10. Tổ chức 108 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho trên 17.700 lượt cán bộ Mặt trận.