Chặn thực phẩm “bẩn” từ nguồn
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm; tuy giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số người bị ngộ độc lại tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã có 6 người tử vong. Tại văn bản gửi UBND các tỉnh/thành mới đây, Bộ Y tế yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm.
Cơ quan chức năng cho biết, trong số 36 vụ ngộ độc thực phẩm chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân.
Như vậy, không xác định được nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm lên tới hơn 50% số vụ. Trong công văn của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh/thành nhấn mạnh tới trách nhiệm người đứng đầu các cấp, đơn vị khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất...
Cao điểm du lịch hè đã đến thì nỗi lo mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm càng tăng lên. Nhất là với đồ ăn nhanh bày bán xung quanh các điểm du lịch, hoặc trên đường phố. Vấn đề là người bán hàng không thể biết mình đang kinh doanh thực phẩm có thể dẫn tới ngộ độc cho người sử dụng. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn khi nhiều người bán hàng ăn nhanh không bảo đảm vệ sinh trong chế biến, bảo quản, hoặc vì hám lợi mà mua những loại thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng giá rẻ về chế biến.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, chính vì thế mà cơ quan chức năng càng cần tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ông Tuyên cũng cho biết, trong quá trình phối hợp với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một số vụ ngộ độc thực phẩm, đã phát hiện một số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài, đem đến rủi ro cho người sử dụng.
Thời gian qua, việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, có vụ tới hàng trăm người liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi khẩn trương phải có giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng khó quản lý và xử phạt những cơ sở, quán ăn tự phát, kinh doanh thức ăn đường phố do giá trị hàng hóa của những cơ sở này không lớn. Khi bị xử phạt, chủ kinh doanh thường lấy lý do khó khăn về kinh tế, còn tổ kiểm tra liên ngành lại có tâm lý nể nang, bỏ qua. Đây chính là lỗ hổng cần sớm được bịt kín.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn các vụ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm thì trước hết người kinh doanh, người tiêu dùng phải tự nâng cao ý thức, nhất là người bán hàng không vì hám lợi mà đẩy hiểm nguy sang phía cộng đồng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tăng cường trách nhiệm của lực lượng chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã/phường bằng cách thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nghị định 115 ngày 4/9/2018 của Chính phủ đã quy định chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1 - 4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức gấp 2 lần so với phạt áp dụng với cá nhân. Còn tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mức phạt tù cao nhất lên tới 20 năm.
Truy xuất đến cùng mới có thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm. Nếu chỉ vì lý do nào đó mà cơ quan chức năng không truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, bỏ qua cho các cơ sở kinh doanh chưa được cấp phép... thì nguy cơ dẫn tới các vụ ngộ độc vẫn tồn tại đầy nguy hiểm.