Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển bền vững
Sáng 12/6, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức diễn đàn Quốc tế về Kinh doanh sáng tạo 2024, với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Năm 2027, giá trị chuyển đổi số của Việt Nam đạt 200 tỷ USD
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động ngày càng sâu rộng.
Cũng theoBộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp.
Yêu cầu hiện nay, doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.
Ông Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận xu hướng công nghệ mới, ứng dụng công nghệ, cải tiến công nghệ. Về phần mình, doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.
Liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Bùi Văn Trịnh – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ một nghiên cứu được đơn vị này thực hiện vào quý I/2023. Cụ thể, tìm hiểu sự phát triển trong chuyển đổi số tại ba nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2027, tổng giá trị nền kinh tế số của Việt Nam đạt 200 tỷ USD, đứng thứ hai sau Indonesia (360 tỷ USD), và đứng trước Thái Lan (165 tỷ USD).
Cũng theo khảo sát, ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số. Đại diện Deloitte cho biết, có ba xu hướng tạo lên sự trưởng thành về ky thuật số đối với ngành hàng tiêu dùng. Đó là, xây dựng doanh nghiệp số, nuôi dưỡng văn hóa số, áp dụng cách tiếp cận đa kênh một cách liền mạch.
Công nghệ - yếu tố then chốt để bứt phá
Đề cập đến xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Ông Shashi J - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng nhanh hay xe hơi… thì khách hàng đều hướng đến công nghệ số. Nghĩa là, khách hàng đang sống trong thế giới kỹ thuật số.
“Vấn đề là làm sao để đưa sản phẩm đến với nơi khách hàng đang sinh sống và từ đó chúng ta tìm túi tiền, tới cái ví của họ. Làm sao lấy được thị phần lớn nhất trong cái ví của họ, đó là câu hỏi chính của chúng ta” – ông Shashi nói.
Theo ông Shashi, sự đổi mới phải luôn đi kèm với cam kết về sự bền vững. Đó là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý, bởi vì doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về ESG.
Ông Shashi J khẳng định, mặc dù tồn tại điểm yếu nêu trên, song doanh nghiệp Việt đang sở hữu một tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với các nền kinh tế đang phát triển khác.
Theo báo cáo của Vinasa, 92% các doanh nghiệp Việt có nhu cầu chuyển đổi số, tuy nhiên 90% trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu.