Quốc tế

Nhiệt độ cao ảnh hưởng thế nào đến cơ thể con người?

Hà Anh (theo Guardian) 12/06/2024 18:27

Nắng nóng là nguyên nhân số một gây tử vong do thời tiết ở Mỹ. Vậy điều gì xảy ra với cơ thể khi chúng ta quá nóng?

nong1.jpg
Nắng nóng tại Phoenix, Mỹ. Nguồn: AP.

Vùng Tây Nam nước Mỹ chuẩn bị đón một đợt nắng nóng nguy hiểm, với hàng triệu người đang được cảnh báo nắng nóng. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia, nhiệt đặc biệt cao được dự kiến ​​​​sẽ xảy ra trên khắp các bang: Texas, Arizona, Nevada và California bắt đầu từ ngày 12/6 (giờ địa phương). Đợt nắng nóng đã phá vỡ kỷ lục ở Mexico, nơi các quan chức chính phủ ghi nhận 48 trường hợp tử vong.

Ông Uwe Reischl, giáo sư tại trường y tế công cộng và dân số tại Đại học bang Boise, cho biết: “Căng thẳng nhiệt có nghĩa là cơ thể đang phải chịu đựng sự tích tụ nhiệt sâu, nhiều hơn mức nó có thể giải phóng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiệt, các triệu chứng có thể từ khó chịu đến tử vong”.

nong2.jpg
Nắng nóng tại Las Vegas (Mỹ). Nguồn: AP.

Nhiệt độ bên trong “tối ưu” mà cơ thể chúng ta hoạt động thoải mái là khoảng 36,8 độ C. Mặc dù nhiệt độ cơ thể thay đổi đôi chút ở mỗi người, nhưng nhiệt độ cốt lõi của cơ thể cần duy trì trong phạm vi hẹp từ 36-37 độ C để bảo vệ các cơ quan và để tế bào hoạt động tốt nhất.

Khi cơ thể trở nên quá nóng, các mạch máu trên da giãn ra và mồ hôi tiết ra. Nhiệt được tiêu tán thông qua sự bay hơi của mồ hôi, làm mát bề mặt da, giải phóng nhiệt truyền từ lõi.

Độ ẩm cao có thể cản trở quá trình làm mát tự nhiên này. Và khi chỉ số nhiệt – thước đo tổng hợp của nhiệt độ không khí và độ ẩm – đạt 32 độ C, nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt bắt đầu tăng lên.

nong3.jpg
Một ngày hè nhiệt độ cao ở bãi biển Agua Dulce ở Lima, Peru. Nguồn: Reuters.

Đầu tiên là chuột rút và mệt mỏi. Một số triệu chứng thực thể đầu tiên của bệnh liên quan đến nhiệt là chuột rút cơ, có thể xảy ra khắp cơ thể.

Giai đoạn tiếp theo là kiệt sức vì nóng – tình trạng nghiêm trọng hơn xảy ra khi cơ thể vẫn chưa thể thoát khỏi lượng nhiệt dư thừa. Các dấu hiệu có thể bao gồm: Mệt mỏi; đau đầu; choáng váng; buồn nôn; khô miệng; nôn mửa.

Bà Gredia Huerta-Montañez, bác sĩ nhi khoa và nhà nghiên cứu sức khỏe môi trường tại Đại học Northeastern cho biết: “Không phải ai cũng có những triệu chứng giống nhau. Chúng rất dễ dàng bị bỏ qua, vì vậy chúng tôi cần tiếp tục tuyên truyền trong cộng đồng về các triệu chứng này”.

nong4.jpg
Nắng nóng ở London, Anh. Nguồn: Reuters.

Tim đập nhanh và cơ bắp chậm lại. Nhiệt độ dư thừa có tác động mạnh mẽ bên trong cơ thể. Tim phải bơm nhanh hơn để thúc đẩy lưu lượng máu đến da nhiều hơn, do đó, nhiệt có thể được giải phóng. Để giảm lượng nhiệt do cơ tạo ra, cơ thể trở nên uể oải và di chuyển chậm hơn. Hơi thở cũng trở nên nặng nề hơn khi cơ thể tìm cách lấy thêm oxy.

Việc đi tiểu trở nên ít thường xuyên hơn khi cơ thể cố gắng giữ lại càng nhiều chất lỏng càng tốt. Tuy nhiên, một lượng lớn chất lỏng có thể bị mất do tốc độ đổ mồ hôi tăng cao (có thể vượt quá 2 lít mỗi giờ ở người trẻ khỏe mạnh), nghĩa là tình trạng mất nước có thể tiến triển nhanh chóng.

Lức này, lưu lượng máu đến đường tiêu hóa và thận bị giảm, nếu duy trì trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho các cơ quan này.

nong5.jpg
Say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt. Ảnh minh họa: Reuters.

Giai đoạn nguy hiểm nhất: say nắng. Say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt. Khi cơ thể đạt tới 39 độ C hoặc cao hơn, các cơ quan như não, tim, ruột và thận có thể bị tổn thương.

Nạn nhân của say nắng có thể gặp những thay đổi đột ngột về chức năng nhận thức và trạng thái tinh thần, chẳng hạn như lú lẫn, ảo giác và co giật. Một người có thể bất tỉnh và trong trường hợp cực đoan, có thể bị ngừng tim.

Say nắng là một trường hợp cấp cứu y tế và điều quan trọng là phải làm mát người bệnh và nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ông Robert Meade, một nhà nghiên cứu về nhiệt độ cực cao tại Đại học Ottawa, cho biết: “Nếu bạn phải đưa ra quyết định (ngay cả khi có xe cấp cứu) rằng, sẽ đưa người bệnh đến bệnh viện hay giúp họ làm mát?, thì việc làm mát nên được ưu tiên”.

“Người có nhiệt độ cơ thể bên trong tăng cao càng lâu thì tất cả những tác động lên hệ thần kinh trung ương như nhiễm nội độc tố sẽ tiếp tục xảy ra”.

Nội độc tố xảy ra khi cơ thể trở nên nóng đến mức ruột bị thiếu máu và oxy, đồng thời hàng rào ruột bắt đầu bị phá vỡ. Vi khuẩn từ đường tiêu hóa có thể xâm nhập vào máu.

Khoảng thời gian mà tình trạng say nắng có thể gây tử vong là rất ngắn và ngay cả đối với những người sống sót cũng có thể gặp phải những biến chứng sức khỏe lâu dài.

Hà Anh (theo Guardian)