Mưa to lại lo lội nước
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 14 đến 17/6, khả năng Bắc Bộ tiếp tục có đợt mưa diện rộng, có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao. Trước đó, tối 4/6, trận mưa rào kèm dông đã khiến hàng chục điểm nội thành Hà Nội ngập sâu. Còn tại Hải Phòng, mưa lớn kéo dài từ đêm 8/6 đến ngày 9/6 khiến nhiều nơi nước ngập cả mét.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, một trong những nguyên nhân gây ngập úng thời gian qua là do trong quá trình phát triển đô thị hóa đã xảy ra tình trạng lấp ao hồ tự nhiên. Sở dĩ đô thị trước đây không ngập là bởi có ao hồ làm nhiệm vụ điều tiết, tích trữ nước khi mưa lớn. Các hệ thống thoát nước chảy chưa kịp thì ao hồ là nơi tích nước. Còn khi ao, hồ bị lấp thì khả năng điều tiết nước cũng mất đi.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho rằng, ngập úng đô thị còn do mật độ xây dựng dày đặc, trong khi hệ thống thoát nước chưa đồng bộ khi mưa lớn.
Thực tế thì ngập úng đô thị diễn ra từ năm này sang năm khác trong mùa mưa, nhất là ở Hà Nội và TPHCM, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến úng ngập ở Hà Nội là do hệ thống thoát nước quá yếu kém. Công tác quản lý và duy trì hệ thống thoát nước đang được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Hệ thống thoát nước được chia thành nhiều gói thầu, với nhiều chủ đầu tư và đơn vị thoát nước tham gia, khiến việc vận hành của hệ thống không đồng bộ và liên tục.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ sau hơn 50 năm vận hành đã xuống cấp và sụt lún, gây mất an toàn. Các hồ điều hòa trong khu đô thị do các chủ đầu tư quản lý vận hành chưa liên kết với hệ thống thoát nước của khu vực nên không thể hiện được vai trò điều tiết chung. Các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm bơm đầu mối, các hồ trong khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cũng tạo áp lực cho hệ thống thoát nước hiện có.
Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội hiện có hơn 2.000 cán bộ công nhân viên được cho là có trình độ, lành nghề, sẵn sàng ứng trực 24/7 tại các điểm úng ngập tiềm ẩn và xử lý nhanh chóng các trường hợp khẩn cấp. Nhưng, dẫu thế thì hễ mưa lớn kéo dài, hàng chục điểm trong nội thành Hà Nội lại bị ngập. Mùa mưa năm 2022, thống kê từ cơ quan chức năng, Hà Nội có tới 100 điểm úng ngập. Tới nay, chưa có con số chính thức nhưng có lẽ cũng không giảm nhiều.
Theo GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ngập úng của Hà Nội “diễn ra theo chu kỳ”, do không được đầu tư đúng mức nên các điểm ngập úng có xu hướng giữ nguyên từ năm này qua năm khác. Chưa kể còn xuất hiện nhiều điểm ngập bất thường tại một số quận mới đang phát triển, dân số tăng nhanh như Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước của Hà Nội những năm qua hiệu quả chưa rõ ràng. Còn theo GS Nguyễn Văn Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tình trạng ngập úng thường xuyên ở nội thành Hà Nội là thiếu sót trong công tác quy hoạch, trong khi diện tích mặt nước và cây xanh ngày càng giảm; tỷ lệ bê-tông hóa ngày càng lớn, nước không thấm được xuống đất phải đổ về chỗ trũng, hình thành điểm ngập úng.
Ao hồ vốn được coi như những "lá phổi xanh" của Hà Nội. Thế nhưng từ lâu tình trạng lấn chiếm, thậm chí san lấp ao hồ vẫn diễn ra. Một năm trước, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay tình hình ra sao thì vẫn chưa có câu trả lời cụ thể từ cơ quan chức năng.
Nhiều nguyên nhân khiến nội thành Hà Nội bị ngập úng, nhưng quan trọng vẫn là hệ thống thoát nước thiếu hiệu quả và ao hồ bị san lấp trở thành đất xây nhà. Nếu hai “vấn nạn” đó vẫn không giải quyết được thì người Hà Nội vẫn phải lội bì bõm mỗi khi có một trận mưa to.