Thí điểm có được miễn trừ trách nhiệm?
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, sáng 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Về cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới (khoản 2 Điều 14), báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Đà Nẵng của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho thấy: Một số ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong Dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm dân sự theo hướng quy định theo Điều 23 của Luật Khoa học công nghệ về miễn thiệt hại đối với Nhà nước. Tuy nhiên, đối với thiệt hại cho công dân, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ bồi thường từ ngân sách. Có ý kiến đề nghị trước khi thực hiện trong từng năm, UBND TP Đà Nẵng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, chấp thuận danh mục thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cân nhắc quy định này. Vì việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo Nghị quyết sẽ có thể dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật. Việc miễn trừ áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm pháp lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này. Bên cạnh đó, việc quy định như Dự thảo Nghị quyết: “Cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và cán bộ trực tiếp hướng dẫn được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro nhưng không có biện pháp phù hợp ngăn ngừa”; “Tổ chức, cá nhân thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro” là khó áp dụng, khó xác định như thế nào là “đã biết”, “chưa biết” dẫn đến không xử lý được hành vi sai trái.
Với các lý do trên, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị tiếp thu ý kiến nêu trên của ĐBQH bỏ quy định về miễn trừ trách nhiệm trong Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên ý kiến của Chính phủ lại đề nghị cho phép quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát. Đối với các giải pháp công nghệ mới, ngay cả khi bảo đảm đúng quy định, việc thử nghiệm có kiểm soát vẫn chứa đựng các yếu tố rủi ro, không lường trước được. Dự thảo sẽ bổ sung quy định làm rõ nội dung miễn trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây thiệt hại. Để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy đổi mới công nghệ thì cho phép quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát là cần thiết.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần có miễn trừ nhưng giới hạn ở mức độ nhất định. Theo đó, hình sự thì không miễn trừ. Dân sự với Nhà nước có thể miễn trừ, còn dân sự với dân thì không miễn trừ. Nếu dân sự với dân mà miễn trừ thì Nhà nước phải bỏ tiền ra để đền bù. Nhà khoa học nghiên cứu gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù, chứ không thể miễn trừ. Nếu Nhà nước miễn trừ thì Nhà nước phải bỏ tiền ra để đền bù cho dân. Nghĩa là có miễn trừ nhưng miễn trừ ở phạm vi rất phù hợp và đúng nguyên tắc. Nhà nước đã quy định miễn trừ thì Nhà nước chịu trách nhiệm để tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu. Miễn trừ nhưng không được làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác ngoài Nhà nước.
Theo ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, khi xây dựng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có 2 vấn đề các cơ quan trình, nghiên cứu đề xuất chưa để ý thấu đáo hết. Đó là miễn trừ trách nhiệm và áp dụng pháp luật; và kinh phí cho các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Ông Huy nói rằng, khi thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi hay cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng về vấn đề này nhiều ĐBQH thảo luận ở tổ cũng băn khoăn. Cho nên băn khoăn của Ủy ban Tài chính ngân sách là có cơ sở. Tuy nhiên phải tính đến miễn trừ ở điều nào, luật nào. Cần quy định rõ hơn miễn trừ như thế nào? Miễn trừ dân sự với Nhà nước hay người dân? Do đó phải quan tâm đến nguồn lực, nếu là Nhà nước thì Nhà nước bỏ tiền ra để bồi thường. Vì thế nên quy định miễn trừ trách nhiệm nhưng nên nghiên cứu thử nghiệm trong nghị quyết làm sao khoanh định trong phạm vi đảm bảo tính chặt chẽ.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu quan điểm rằng, nếu cho phép có chính sách đặc thù về thử nghiệm có kiểm soát thì phải có điều khoản về miễn trừ trách nhiệm. Hai cái này đi với nhau như “hình với bóng” và là thông lệ quốc tế. Đã cho phép thử nghiệm thì có rủi ro vì là vấn đề mới chưa lường trước được. Nếu không có điều khoản về miễn trừ trách nhiệm thì không ai dám làm.
Do đó, theo ông Tùng, phải miễn trừ và cần có rà soát để quy định cho chặt chẽ theo hướng chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, kỷ luật, chứ không miễn trừ trách nhiệm hình sự. Miễn trừ với rủi ro xảy ra gây thiệt hại đối với Nhà nước. Còn đối với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại thì vẫn phải bồi thường.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, vấn đề miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát có nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu cho áp dụng. Do đó cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội để thực hiện, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong đổi mới khoa học công nghệ.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.