Camera giám sát - “miếng bánh” hấp dẫn
Nhu cầu sử dụng camera cho hoạt động giám sát mỗi năm tăng lên từ 13-14%. Tuy nhiên, hơn 90% thị phần của mặt hàng này đang ở trong tay doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Để giành lại thị phần, DN Việt cần phải liên kết.
Thị trường đầy tiềm năng
Với quy mô dân số hơn 100 triệu người (hiện mới chỉ 2 camera/100 người) thị trường camera giám sát tại Việt Nam là “miếng bánh” vô cùng hấp dẫn. Theo thống kê, nhu cầu camera ở nước ta rất lớn, ước đạt hơn 150 triệu chiếc, trong đó chiếm 40% là camera hạ tầng, 30% là camera thương mại, 20% là camera gia đình, còn lại là các loại khác, song Việt Nam hiện mới có khoảng 10 - 15 triệu camera. Theo thống kê của Pavana, hiện nước ta nhập khẩu trung bình khoảng 5 triệu camera giám sát mỗi năm, chủ yếu là camera gia đình và DN, phần lớn trong số đó có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Pavana đánh giá: “Thị trường camera tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, với tốc độ khoảng 13 - 14%, trong đó camera gia đình tăng trưởng cao hơn, ở mức 17%. Hiện nay, năng lực của các nhà máy ước tính sản xuất được 2 - 2,5 triệu camera/năm... Thị trường thiết bị camera giám sát dành cho hạ tầng, DN và tổ chức chính phủ tại Việt Nam tương đối sơ khai, còn nhiều dư địa phát triển”. Cũng theo ông Kiên, năm 2023, quy mô thị trường camera Việt Nam đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu. Trong đó, 2 thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc là Dahua, HikVision cùng các công ty con chiếm gần 90% thị phần; số còn lại chủ yếu là những tên tuổi nhỏ của Trung Quốc. Việc này đang “làm giàu” cho các DN sản xuất camera nước ngoài và làm nguy cơ mất an toàn thông tin về camera giám sát là rất cao.
Liên kết để giành thị phần
Làm thế nào để cạnh tranh, giành lại thị phần camera là vấn đề mà các DN Việt Nam phải đối mặt. Thực tế cho thấy, camera sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh về giá với camera nhập ngoại. Hiện camera Trung Quốc đang bán với giá trung bình từ 200 nghìn đồng đến dưới 1 triệu đồng/chiếc, cả trực tiếp và trực tuyến.
Ông Kiên cho rằng, để cạnh tranh được thì quy mô thị trường phải đủ lớn, đại trà, DN phải tiếp cận ở thị trường toàn cầu và cần có các chính sách bảo trợ của Nhà nước. “DN các nước làm sản phẩm gì trong giai đoạn đầu cũng cần sự bảo trợ, hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, trên thị trường Việt Nam và quốc tế, có những đơn vị rất mạnh về phần cứng hoặc nền tảng. Để hạ giá thành, DN Việt cần tạo liên minh và tận dụng, phát huy thế mạnh của nhau. Nếu mỗi đơn vị chỉ tập trung vào một mảng, thì nguồn lực rất hạn chế” - ông Kiên nhận định.
Theo ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc Bộ ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát có thể tạo ra một số tác động quan trọng đối với thị trường camera Việt Nam. Với bộ tiêu chí này, Bộ phối hợp với các DN, các chuyên gia để xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát". Khi có quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc các camera được sản xuất tại Việt Nam đưa ra thị trường hay những camera nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ buộc phải được kiểm định, đánh giá, được chứng nhận hợp quy, đáp ứng các yêu cầu đó thì mới được đưa ra thị trường Việt Nam, để cung cấp cho người sử dụng. Khi đó, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề an toàn thiết bị camera giám sát và vấn đề hàng trôi nổi, nhập lậu…
Đồng quan điểm, ông Bùi Trường Thi - Phó Tổng Giám đốc Vconnex cho rằng, các yêu cầu về an ninh và bảo mật camera của Bộ Thông tin và Truyền thông có thể tạo ra cơ hội cho các sản phẩm camera made in Viet Nam. Bởi việc đáp ứng các yêu cầu mới của bộ tiêu chí có thể tạo ra áp lực về chi phí phát triển và sản xuất, tác động đến giá cả và sức cạnh tranh trên thị trường camera. Các nhà sản xuất camera nội có thể tận dụng cơ hội này để cải thiện chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Theo ông Thi, lợi thế của các công ty camera Việt Nam nằm ở khả năng tùy chỉnh và phản ứng nhanh trước các yêu cầu cụ thể từ phía cơ quan quản lý và tuân thủ các quy định mới hơn so với các nhà sản xuất nước ngoài. “Để camera made in Viet Nam thực sự lên ngôi, nhà sản xuất cần đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn và bảo mật. Camera Việt Nam cũng phải có khả năng cạnh tranh về giá cả và tính năng so với các sản phẩm nhập ngoại. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường cũng như người tiêu dùng” - ông Thi nói.