Thấy gì sau “bão” vàng?
Chốt phiên giao dịch ngày 13/6, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức gần 77 triệu đồng/lượng (bán ra), giữ nguyên tới 7 phiên liên tiếp. Như vậy, kể từ ngày 3/6 tới nay là tròn 10 ngày Ngân hàng Nhà nước bán vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Giá vàng đã kéo xuống sâu ở mức khiến nhiều người bất ngờ, khi mà tính chung cho 10 ngày, nhiều người mua vàng đã mất hơn 10 triệu đồng/lượng.
Cũng cần nhắc lại, tới ngày 27/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, đưa ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Do đó, Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương thức ổn định thị trường vàng: bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.
Việc thay đổi đó lập tức đưa lại kết quả tích cực. Tới ngày 13/6, nếu tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (cuối tháng 5) thì giá vàng miếng SJC đã xuống sâu tới gần 15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá trong nước với thế giới (quy đổi) thu hẹp từ 17 triệu đồng/lượng xuống gần 5 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước đang qua thời kỳ “ảo”. Tuy nhiên, cuộc chơi đắt đỏ này vẫn chưa hết phức tạp khi mà tại những điểm ngân hàng mở bán vàng ở Hà Nội, TPHCM có hàng đoàn người xếp hàng đợi “lấy số”. Nhiều phiên giao dịch mới tới 14 giờ chiều ngân hàng đã thông báo không nhận đăng ký của người mua. Một số ý kiến cho rằng đang có tình trạng mua gom, đầu cơ để tìm cơ hội trục lợi. Bên cạnh đó, những thông tin thất thiệt quanh việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán càng khiến cho thị trường nóng hơn.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hoả tốc số 4810 gửi Bộ Công an về việc phối hợp quản lý thị trường vàng. Theo đó, tại nhiều điểm bán vàng, đã có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn trên thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Đó là hành vi đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.
Những gì đã và đang diễn ra kể từ tháng 8/2023 đến nay cho thấy giá vàng trong nước và mức chênh lệch với thị trường thế giới không phản ánh cung - cầu, mà bị tác động lớn bởi các yếu tố đầu cơ, tạo “sóng”. Thêm nữa, dòng vốn từ bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng… cũng rút ra để chảy vào kinh doanh mua bán vàng, theo kiểu đầu cơ, “lướt sóng”. Những yếu tố đó đã khiến vàng như một kênh đầu tư lựa chọn tự nhiên. Khi đó, các nhóm đầu cơ tìm cách đẩy giá vàng và tâm lý đám đông cũng rất dễ bị thu hút bởi “sóng”. “Sóng” càng cao càng dễ hút tiền.
Trong hơn 5 tháng nửa đầu năm 2024, “sóng vàng” còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng. Giá vàng trong nước được đà liên tục lập đỉnh mới. SJC được coi là “đỉnh lịch sử” vào cuối tháng 4 với giá 85 triệu đồng/lượng, nhưng sang tháng 5 đã vượt 92 triệu đồng/lượng. Đó là khoảng thời gian chao đảo nhất của lịch sử thị trường vàng Việt Nam khi liên tục nhiều ngày giá leo dốc một cách thẳng đứng, với nhiều người được mất, khóc cười.
Tới nay, cơn bão vàng dữ dội nhất đã qua, nhưng giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng nó vẫn chưa lặng hẳn, bằng chứng là hiện tượng thu gom vàng từ các ngân hàng thương mại được chỉ định bán ra nhằm bình ổn thị trường. Xung quanh thông tin Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thì Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền nhập khẩu vàng nên chuyện đó không thể xảy ra. Ông Nghĩa dẫn số liệu của Hội đồng Vàng thế giới: nhu cầu của nội địa của Việt Nam khoảng 20 - 30 tấn/năm, tương đương dưới 3 tỷ USD, là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam xấp xỉ 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, phải chắt chiu nguồn lực cho đầu tư phát triển thì chi 3 tỷ USD/năm để nhập khẩu vàng vật chất chỉ để phục vụ nhu cầu tích trữ của người dân là lãng phí.
Riêng với việc mua “vét” vàng từ ngân hàng, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, đối với khách hàng mua vàng giá trị từ 400 triệu đồng trở lên, ngân hàng cần yêu cầu thêm thông tin về nguồn tiền cũng như thu nhập trung bình hàng tháng. Mục đích là ngăn chặn việc sử dụng vàng để rửa tiền. Tất nhiên, trong việc này, vai trò của Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) là then chốt.