Tiếp tục giảm Thuế VAT 2%: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi
Ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm Thuế Giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV). Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm
Tại phiên thảo luận, đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ và thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính Ngân sách về giảm thuế giá trị gia tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn rất nhiều khó khăn. Cho nên tiếp tục thực hiện miễn, giảm Thuế Giá trị gia tăng tạo động lực để các đối tượng nộp thuế có trợ lực sớm phục hồi, tiếp tục duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng thu ngân sách trong thời gian tới.
Theo bà Thanh, có những khoản này thì động lực để thu hay phát triển sản xuất để tăng thu thuế của những năm tới sẽ tăng lên. Đồng thời duy trì được sản xuất, duy trì được tăng thu, kích cầu tiêu dùng. Vì vậy có những dư địa để chúng ta đồng tình với đề nghị của Chính phủ, tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm 2024 chứ không phải dài hạn.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% và đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Bởi khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đều đồng ý kéo dài đến hết tháng 12/2024.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh chương trình pháp lệnh năm 2024 và đã thống nhất bổ sung nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ 7 nên cơ sở pháp lý trình để trình Quốc hội tại kỳ họp này là có đầy đủ cơ sở để Quốc hội quyết.
“Nếu Quốc hội quyết định thì đây là lần thứ 3 Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện chính sách này. Để đảm bảo chặt chẽ, nên bố trí 20 phút để cơ quan trình và cơ quan thẩm tra báo cáo nhưng không cần bố trí thảo luận vì khi Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã thảo luận về vấn đề này” - ông Tùng cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về Thuế Giá trị gia tăng (VAT), Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương, có văn bản kết luận. Vừa qua, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cao với tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% Thuế VAT trong 6 tháng cuối năm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ có tờ trình tóm tắt, Ủy ban Tài chính ngân sách có báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội có công văn đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ. Sau đó, tổng hợp đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cách làm như vậy sẽ bảo đảm dân chủ vì chỉ không đọc tờ trình và báo cáo thẩm tra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội mà các đại biểu vẫn tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.
Sửa đổi, bổ sung các luật thuế, phí theo nguyên tắc thị trường
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm Thuế VAT theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời lưu ý, việc tổ chức thực hiện chính sách cần bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ chịu trách nhiệm điều hành thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm điều hành thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
Thực hiện đúng tiến độ sửa đổi, bổ sung pháp luật thuế, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, các chiến lược cải cách thuế, trong đó có Thuế VAT. Đặc biệt, lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung pháp luật thuế tính theo nguyên tắc thị trường và các thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, định hướng, và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ trong một thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí để xem xét, quyết định đưa thành một mục trong Nghị quyết chung của kỳ họp.
Doanh nghiệp có cơ sở chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, việc áp dụng giảm Thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, DN. Theo đó, việc giảm Thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm Thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm 2% Thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, DN có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường hỗ trợ các DN gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn. Do vậy, có thể khẳng định, chính sách này sẽ tạo động lực, giúp cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
T.X