Thay đổi cách dạy và học
Đề thi Toán lớp 10 của TPHCM năm học 2024 - 2025 khiến nhiều thí sinh bật khóc trong khi nhiều giáo viên đánh giá đây là đề thi hay, có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực như mục tiêu của chương trình GDPT 2018 đặt ra.
Khi học và thi vênh nhau
Dù 1 tuần đã trôi qua nhưng đề thi Toán vào lớp 10 của TPHCM vẫn khiến nhiều thí sinh, phụ huynh và giáo viên (GV) quan tâm. Chị Nguyễn An Thanh (quận Thủ Đức, TPHCM) nhớ lại buổi thi Toán lớp 10 vừa qua của con: “Con thi xong là bật khóc, bảo trong phòng thi con đọc đề mà không hiểu đầu bài hỏi gì. Bình thường con rất chăm chỉ luyện đề, làm các dạng bài thầy cô cho, sức học ở lớp cũng được đánh giá là khá giỏi nhưng vì quen với các bài có sẵn các bước giải rồi nên gặp bài kiểu thực tế như thế này bị cuống, mất bình tĩnh” - chị Thanh nói.
Tại nhiều điểm thi của TPHCM, nhiều thí sinh cũng rơi nước mắt vì cho rằng đề Toán quá khó, các em làm không đạt phong độ như quá trình ôn luyện. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM sau đó đã lên tiếng khẳng định kỳ thi vào lớp 10 không phải là để đánh giá kiến thức học sinh mà là kỳ thi để tuyển sinh. Đề thi phải thể hiện tính phân hóa, có dễ, có khó để phục vụ được mục tiêu tuyển sinh.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM chia sẻ, Hội đồng ra đề đã xây dựng ma trận đề thi đảm bảo kiến thức phù hợp với học sinh, trong đó môn Toán được xác định mỗi năm đều tăng thêm kiến thức vận dụng cuộc sống.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - GV Toán (Hệ thống giáo dục HOCMAI) chỉ ra nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS, hầu hết các câu hỏi trong đề thi đều là các dạng bài quen thuộc, tương tự các đề thi của những năm gần đây. Kể từ bài số 5 trở đi, mặc dù vẫn là các dạng bài quen thuộc nhưng đã tăng về độ khó.
Như vậy, kiến thức không phải tất cả đều quá khó, dạng bài cũng không mới lạ nhưng nhiều thí sinh không làm được vì những phương trình, biểu thức cần tính toán được lồng trong những bài toán tình huống, thí sinh phải có kĩ năng đọc hiểu tốt, và câu hỏi cũng nhằm kiểm tra khả năng lập luận và tư duy logic của thí sinh. Không ít thí sinh nhìn thấy đề bài dài nên bị rối, mất bình tĩnh dù rằng bài toán thực chất không khó, không đánh đố.
Làm sao xảy ra tình trạng này? Nếu nhìn lại quá trình dạy và học phổ thông thì không chỉ riêng ở TPHCM mà nhiều địa phương khác, phần lớn các em được dạy giải toán theo dạng bài, với các bước giải và học sinh chỉ làm theo.
Trong khi, với các bài toán thực tế, học sinh phải tự xây dựng quy trình giải, tìm công thức, phương trình nên lúng túng. Nhất là khi đề bài dài, lồng ghép trong nhiều câu chữ, nếu học sinh không có kỹ năng đọc hiểu tốt, tóm tắt đề bài với các dữ liệu then chốt thì sẽ dễ bị rối, không xác định được cần bắt đầu từ đâu.
Thay đổi cách kiểm tra đánh giá
Mặc dù với chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nhưng việc GV dạy bám sát chương trình sách giáo khoa vẫn là phổ biến. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho biết, với kiểu ra đề như này thì việc kiểm tra chuyên môn của phòng giáo dục phải thay đổi. Nếu vẫn giữ kiểu bám sát chương trình sách giáo khoa thì không GV nào dám sáng tạo.
Thầy dạy rập khuôn, trò học vẹt dẫn đến việc nếu hỏi khác đi, không giống bài mẫu là học trò nhăn nhó, than khó. GV vì thành tích của lớp, của trường nên dạy theo lối an toàn để ứng phó với các kỳ thi trước mắt mà không phải là dạy để học sinh hiểu được bản chất vấn đề, giải quyết được các bài toán trong thực tế. Hệ quả là học sinh giỏi lý thuyết nhưng thực hành, áp dụng vào thực tế thì bó tay!
Thay đổi cách dạy và học là điều ngành giáo dục vẫn đang thực hiện, là điều cả xã hội mong mỏi. Nhưng để sớm đạt hiệu quả, việc thay đổi cách tiếp cận, cách kiểm tra, đánh giá là cần thiết. Bởi trong tâm thế thi gì, học nấy, gánh nặng thành tích dù ít dù nhiều vẫn còn đó, chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều thì việc đổi mới thi cử vẫn là một trong những biện pháp quan trọng tác động rõ rệt tới quá trình dạy học ở phổ thông.
Tuy nhiên, để tránh “sốc” cho học trò, ông Phú cho rằng những năm tiếp theo, bố cục đề thi cần đi từ câu dễ đến câu khó, dẫn dắt tâm lý học sinh bình tĩnh xử lý vấn đề. Mặt khác, nên công bố cấu trúc đề từ đầu năm học, cung cấp nguồn tư liệu để các trường ôn luyện cho học sinh. Ngoài ra, cần nghiên cứu điều chỉnh biên độ kết thúc chương trình khối 9 sớm để các trường có thời gian ôn luyện cho các em.
Thay đổi cách dạy và học là điều ngành giáo dục vẫn đang thực hiện, là điều cả xã hội mong mỏi. Nhưng để sớm đạt hiệu quả, việc thay đổi cách tiếp cận, cách kiểm tra, đánh giá là rất cần thiết. Bởi trong tâm thế thi gì học nấy, gánh nặng thành tích dù ít dù nhiều vẫn còn đó, chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, việc đổi mới thi cử vẫn là một trong những biện pháp quan trọng tác động rõ rệt tới quá trình dạy học ở phổ thông.