Kinh tế

Giá vé máy bay vẫn ở mức cao

T.Hằng 14/06/2024 10:11

Mức giá vé máy bay vào dịp hè (từ tháng 6 đến tháng 8) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cập nhật tình hình giá vé máy bay từ Cục Hàng không Việt Nam, vé máy bay tháng 7 tương đương từ 20-70% mức tối đa trên các chặng bay. Nếu đặt vé bay vào thứ Bảy (ngày 13/7), chặng Hà Nội - TPHCM, Vietnam Airlines có giá dao động từ 1,1-1,7 triệu đồng (tương đương 31-48% mức giá tối đa theo quy định là 3,4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 0,8-1,3 triệu đồng (tương đương 23,2-37,9% mức giá tối đa theo quy định).

anh-bai-tren.jpeg
Hành khách làm thủ tục bay tại Sân bay Phú Quốc. Nguồn: Vietnam Airlines.

Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines có giá dao động từ 0,6-1,8 triệu đồng (tương đương 21-62% mức giá tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng); Vietravel Airlines có giá dao động từ 0,6-1,4 triệu đồng (tương đương 20-47% mức giá tối đa theo quy định).

Trên chặng Hà Nội - Phú Quốc, Vietnam Airlines công bố giá từ 2,3-2,8 triệu đồng, (tương đương 56,7-70% mức giá tối đa theo quy định là 4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 1,2-1,8 triệu đồng (tương đương 30-45% mức giá tối đa theo quy định).

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và phát triển (Vietnam Airlines) cho rằng giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu, nguyên nhân do giá nhiên liệu tăng cao (tăng 34% so với năm 2019), tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney dẫn đến tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu, ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay (bình quân năm 2024 tăng từ 20-30% so với năm 2019).

Vị này cũng thông tin, trên thực tế tỷ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Việc giá vé bay bay nội địa trong một số thời điểm cao hơn bình thường và ảnh hưởng đến một bộ phận hành khách trong việc di chuyển nội địa. Tuy nhiên, hành khách có thể lựa chọn các mức giá hợp lý khi chọn chuyến bay khung giờ thấp điểm, tránh giai đoạn cao điểm.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, Bộ Giao thông vận tải và các hãng bay đã chỉ ra nguyên nhân vé máy bay tăng cao (như chi phí nhiên liệu tăng, biến động tỉ giá, thiếu máy bay, chi phí thuê máy bay tăng)… nhưng một số nguyên nhân chưa được đề cập đó là thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh. Ông Chính dẫn chứng, giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác, còn ở nước ta chỉ có 2 hãng hàng không lớn (là Vietnam Airlines và Vietjet) chiếm thị phần gần như toàn bộ hiện nay.

Thêm vào đó, việc bảo trì ở nước ngoài tốn kém chi phí và thời gian, hợp tác giữa hàng không và du lịch chưa mạnh mẽ, các hãng hàng không giảm bớt các chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm vào chất lượng dịch vụ khách hàng.

Việc giá vé tăng cao, theo ông Chính, sẽ khiến nhiều gia đình Việt Nam lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển. Đưa ra giải pháp kéo giảm giá vé máy bay, ông Chính đề xuất Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021. Chính phủ có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả 2 ngành du lịch và hàng không.

Đặc biệt, ông Chính cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.

T.Hằng