Di sản văn hóa và giá trị trao truyền
Tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp), kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 ngày 11/6 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã bầu Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng. Hiện Việt Nam đã có 15 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với đại diện của 183 quốc gia thành viên. Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 vào ngày 5/9/2005, là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này.
Tính tới nay Việt Nam đã tham gia 6 cơ chế then chốt của UNESCO, gồm: Thành viên Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Chấp hành UNESCO; Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO; Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003.
Điều đó cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.
Cùng với 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, hiện Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, đệ trình và thúc đẩy việc ghi danh các hồ sơ đề cử, trong đó có Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê; Hang Con Moong; Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo...
Bên cạnh đó, cả nước còn có 485 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (tính tới ngày 12/6/2024, theo Cục Di sản Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Từ lâu, Việt Nam đã được coi là “cường quốc di sản”. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc kết hợp khai thác du lịch, áp lực làm kinh tế.
Di sản văn hóa luôn được coi là giá trị trao truyền từ đời này sang đời khác, là kết tinh của tinh hoa văn hóa truyền thống trải qua biến thiên thời cuộc cùng sóng gió thời gian. Di sản văn hóa phi vật thể cũng vậy, đôi khi còn mong manh dễ vỡ hơn nếu như không có sự hiểu biết, trân quý của người đời. Di sản văn hóa phi vật thể quý và đẹp ở chỗ đượm màu sắc dân gian, lan tỏa trong cộng đồng, từ đó trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”.
Nhiều năm qua, việc khôi phục các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống… trong hệ thống các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chính là thái độ ứng xử của chúng ta. Nhưng cũng rất đáng tiếc, đây đó vẫn có việc di sản văn hóa phi vật thể bị biến dạng, thậm chí còn bị mai một, thất truyền khi di sản bị tách khỏi không gian văn hóa, bị sân khấu hóa. Giá trị của lịch sử và văn hóa là ở phần hồn, là gân cốt bên trong chứ không chỉ là việc làm dáng bên ngoài.
Sức ép kinh tế, nhất là phát triển du lịch đã đặt các di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng vào thế bấp bênh. Trong khi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là 2 bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Riêng với di sản văn hóa phi vật thể phần lớn là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác nên càng dễ biến dạng, biến mất.
Vì thế, việc bảo tồn, tái tạo và trao truyền phải hết sức cẩn trọng. Càng có nhiều di sản văn hóa được ghi danh thì trách nhiệm càng nặng nề. Chúng ta sẽ trao lại cho thế hệ sau những gì tổ tiên để lại? Câu hỏi đó luôn phải được đặt ra như một sự day dứt. Không thể để dòng chảy văn hóa bị đứt đoạn, cũng không thể trao truyền di sản khi mà nó đã bị biến dạng do thiếu hiểu biết và áp lực kinh tế.
Cũng cần nhắc lại, theo Công ước 2003 của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể khi chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác phải hình thành được ý thức cộng đồng về bản sắc và sự kế tục.