'Nơi anh đến là đảo xa...'
Trên những chuyến tàu ra Trường Sa, có một giai điệu luôn vang lên. Đó là bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song:
Nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến là đảo xa
Từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua…
Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền, mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi…
Đây con tàu ra khơi…
Những câu hát ấy chúng ta ai cũng từng nghe, nhớ, và đã trở thành “cây cầu” vô hình để nối gần với quần đảo Trường Sa, nơi đó có biết bao người lính xa nhà.
Nhạc sĩ Thế Song tên đầy đủ là Nguyễn Thế Song (1/12/1933-20/5/2018). Ông quê ở An Trạch, Bích Câu, Hà Nội. Ông kiên trì tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Năm 1955, ông là diễn viên hát tại Đoàn Ca Múa Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.
Tôi vẫn nhớ những lần đến thăm ông. Ngôi nhà nhạc sĩ sinh sống cùng gia đình ở quận Đống Đa (Hà Nội) sát mép đường Tôn Đức Thắng. Trong không gian đó, ông đã kể và cho tôi xem những bản nhạc viết tay được cất cẩn thận. Trong đó, có bản thảo ca khúc “Nơi đảo xa” nổi tiếng.
Nhạc sĩ Thế Song viết “Nơi đảo xa” vào khoảng tháng 4/1979, khi đó ông có chuyến đi thực tế viết về biên phòng với đồng chí Phạm Tịnh về Thán Phún, Pò Hèn ở Quảng Ninh.
Chuyến đi ấy có nhiều kỉ niệm, nhưng khi mới đi qua Quảng Ninh một đoạn, đến cây số 8 thì dừng chân ở trạm sửa chữa tàu biển Z48 của bộ đội Hải quân. Định vào chơi một chút thôi, nhưng anh em chiến sĩ giữ ở lại. Khi được giới thiệu là nhạc sĩ Thế Song đang đi thực tế sáng tác bài hát cho các đơn vị quân đội, anh em ở đơn vị nói vui, đại ý rằng: Anh ở đây viết về chúng tôi đã. Tại đây nhạc sĩ được gặp các chiến sĩ hải quân, nghe những câu chuyện về biển đảo.
Theo nhạc sĩ Thế Song, từ lâu ông đã định viết một bài về hải quân, nhưng viết không thành. Khi tới Z48, nghe các anh kể về hàng ngày đi chiến đấu, đi dọc mấy nghìn cây số bờ biển, khiến nhạc sĩ suy nghĩ.
Đơn vị hải quân này đóng ngay bên cạnh biển Hạ Long thơ mộng, xa xa thấy từng đoàn thuyền căng buồm, xa nữa là những đảo núi nhấp nhô trên biển. Đảo và biển của ta đẹp quá, cùng với hình ảnh người lính hải quân hiền hậu và mến khách, ngày đêm vượt sóng gió để canh giữ biển đảo thân yêu.
Đi với họ, sống với họ… nhạc sĩ Thế Song nhận ra công việc của họ rất vất vả. Tự nhiên cảm xúc về biển đảo và người lính hải quân dâng trào, và giai điệu bài hát được hình thành rất nhanh ngay trong đầu. “Tôi yêu biển, và cảm phục người lính Hải quân. Đấy là lý do để bài hát ra đời…”, nhạc sĩ từng nói với tôi.
Thế nhưng, trong chuyến đi ấy, nhạc sĩ Thế Song mới chỉ hoàn thành được lời 1 của bài hát.
Phải đến khi trở về Hà Nội, ngồi trong căn nhà của mình ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội) nhạc sĩ Thế Song mới viết lời 2. Theo nhạc sĩ Thế Song, lời 2 ông viết cũng rất nhanh. Về bút pháp, ông cũng khẳng định rằng “không có gì cao siêu cả, mình nghĩ cái gì thì viết ra cái đó thôi”.
Người đầu tiên thể hiện bài hát “Nơi đảo xa” trên sóng đài phát thanh là nghệ sĩ Tiến Thành, và ngay sau đó bài hát đã nhận được nhiều thư yêu cầu của thính giả nghe đài đề nghị phát lại. Sau này nghệ sĩ Trung Đức và nữ ca sĩ Tuyết Mai là những người thể hiện thành công bài hát này.
Những năm gần đây, ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn thể hiện cũng khiến người nghe cảm thấy hài lòng. Đặc biệt, ngày 17/9/2011, mạng xã hội Việt Nam (go.vn) đã hoàn thành clip thu âm ca khúc “Nơi đảo xa” với sự tham gia của gần 600 người, từ nghệ sĩ, ca sĩ cho tới doanh nhân, công nhân, học sinh, sinh viên… trên mọi miền Tổ quốc.
Mãi tới năm 1996 nhạc sĩ Thế Song mới có cơ hội đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Về âm nhạc, nhạc sĩ quan niệm: "Phải tích luỹ vốn dân ca của ông cha để lại mà tìm tòi phát hiện cái hay, cái đẹp trong đó để sáng tạo trong tác phẩm của mình mang tính thời đại, không sao chép".
Ngoài ca khúc “Nơi đảo xa”, nhạc sĩ Thế Song là tác giả của khoảng 400 ca khúc, trong đó có nhiều sáng tác về biển đảo như: “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình em theo cánh sóng”, “Tình yêu bên suối”, “Hát từ vùng gió xoáy”… Ông đi nhiều, và đến tỉnh thành nào cũng có cảm xúc để sáng tác ca khúc về mỗi vùng đất Tổ quốc.