Siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng
Nhiều phiên bán hàng qua hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội doanh thu lên tới vài chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đồng. Cùng với quản lý tránh thất thu thuế, thì người tiêu dùng cần cảnh giác kẻo mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Thời gian gần đây, nhiều người có xu hướng “nghiện” sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok để tham gia vào các phiên livestream mua sắm.
Để phòng tránh rủi ro từ sớm, từ xa, ngành chức năng đang siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng để vừa tránh thất thu thuế, vừa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ông Đỗ Văn Hưng - Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương), từ ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến một số hành vi bị cấm, quy định bồi thường thiệt hại, phương thức giải quyết tranh chấp… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số.
Luật mới sẽ giải quyết được những tồn tại trong rất nhiều năm đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần hiểu rõ và lựa chọn hàng hóa phù hợp, bảo vệ thông tin cá nhân không để bị lợi dụng sơ hở, nhất là trong lĩnh vực thanh toán; nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ quyền lợi của mình trên môi trường trực tuyến.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), Tổng cục Thuế mới đây đã ban hành Công điện số 01 yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra toàn diện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động livestream bán hàng. Công điện số 01 giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động bán hàng trực tuyến và nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch thương mại qua livestream, hướng đến đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, không giống như hình thức đưa hàng lên sàn thương mại điện tử bán, hình thức livestream sau khi kết thúc phiên từ người mua và cả cơ quan quản lý cũng không còn biết họ là ai. Điều này cũng cho thấy việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp vì tính mới và phổ biến của nó.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam, mỗi phiên giao dịch có thể ghi nhận hàng chục ngàn đơn hàng, đương nhiên các bên đều hiểu câu chuyện thuế. Các giao dịch đều ghi lại, "không ai dám làm một hoạt động không tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ thuế".
Tuy vậy, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết thời gian qua có những người chưa phân biệt được các phiên bán hàng ở các sàn thương mại điện tử chính thống với các phiên diễn ra ở những nền tảng phi sàn (giao dịch không được ghi lại đầy đủ, không ràng buộc rõ trách nhiệm người bán với người mua, không có bên trung gian để bảo đảm). Theo đó, về nguyên tắc khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Nền tảng cũng thông báo về quy định và trách nhiệm, nhưng có những người không chịu đọc. Các nền tảng tổ chức khóa học đào tạo rất kỹ nhưng có bên cử nhân viên đi học nhưng không học. TikTok có phối hợp Tổng cục Thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhìn thấy rủi ro nếu không chịu khó học luật.
Từ thực tế này, việc siết quản lý hoạt động livestream bán hàng là hết sức cần thiết. Quản lý để tránh thất thu thuế là một chuyện. Chuyện khác, là cảnh báo để người tiêu dùng không tiếp tay cho những vi phạm pháp luật, trong đó có câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Xin đơn cử vụ 2 đối tượng bán mũ bảo hiểm Nón Sơn giả qua hình thức livestream trên TikTok đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bắt tạm giam để điều tra về hành vi "buôn bán hàng giả". Theo điều tra ban đầu, 2 đối tượng trên đã mua sỉ Nón Sơn giả trên mạng xã hội với giá 40.000 đồng/chiếc sau đó livestream trên TikTok bán với giá 100.000 - 130.000 đồng/chiếc thu lợi bất chính khoảng 80 triệu đồng.
Cũng qua theo dõi trên TikTok Shop và các buổi livestream, lực lượng quản lý thị trường và Công an Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và phát hiện một lượng lớn hàng hóa gồm khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động và các loại mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.